Lấy nông làm “gốc”

(ANTĐ) - Thuở trước, người ta đã xếp hạng nông dân đứng ở vị trí thứ hai trong thứ bậc xã hội “Sĩ - nông - công - thương”. Tuy nhiên, thời đó có lẽ cũng vì gặp phải thiên tai, dịch bệnh nên vị thế nhà nông từng được đặt lên hàng đầu trong câu nói dí dỏm “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.

Lấy nông làm “gốc”

(ANTĐ) - Thuở trước, người ta đã xếp hạng nông dân đứng ở vị trí thứ hai trong thứ bậc xã hội “Sĩ - nông - công - thương”. Tuy nhiên, thời đó có lẽ cũng vì gặp phải thiên tai, dịch bệnh nên vị thế nhà nông từng được đặt lên hàng đầu trong câu nói dí dỏm “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.

Trong quá khứ, nhiều quốc gia nhờ lấy nông nghiệp làm gốc để phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ mà trở thành nước phát triển. Nước ta cũng đang đi trên con đường phát triển đó. Và cũng đúng như câu thành ngữ “Phi nông bất ổn”. Bão lụt, dịch bệnh và quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp để phục vụ cho đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ, sân golf, du lịch được xem là các nguyên nhân đe dọa an ninh lương thực, an sinh xã hội.

Ngay trong xã hội, quan niệm và nhận thức của người dân cũng nặng về coi nhẹ nông nghiệp. Mặc dù là nông dân thuần chất, bà con nông dân vẫn mong con cái mình “thoát” khỏi nông thôn lên thành phố, vào các khu công nghiệp mưu sinh. Thanh niên nông thôn chỉ mong mau chóng “ly nông”. Các doanh nghiệp, kể cả nước ngoài mạnh tiền đều ngại đầu tư vào nông nghiệp vì thu hồi vốn chậm, rủi ro, bất trắc luôn treo trên đầu do thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh.

Bởi thế, những người làm quản lý, quy hoạch, lập chính sách cần có cái nhìn đúng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nếu không hệ quả tất yếu là, nông nghiệp mất dần “bờ xôi, ruộng mật”, mất dần nguồn lao động trẻ ở nông thôn và mất dần nguồn nhân lực chất xám. Nguồn “chất xám” mất từ từ và âm thầm. Bắt đầu từ việc các trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp chuyển sang các lĩnh vực “thời thượng” như kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin vì không có đủ số học sinh thi vào. Các trường đại học cũng không tuyển nổi sinh viên vào ngành nông nghiệp; số sinh viên theo học sau khi tốt nghiệp hầu như bỏ nghề, không quay về nông thôn.

Theo một số chuyên gia nông nghiệp, sự bất cập trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong nông nghiệp cần phải sớm điều chỉnh, đặc biệt là việc kiểm soát giá lúa gạo và chỉ tiêu xuất khẩu gạo gần đây. Trong ngắn hạn, chính sách này có thể giúp cho giá gạo trong nước không tăng, do đó góp phần bình ổn xã hội, làm giảm áp lực lo “bát cơm” hàng ngày đối với nông dân và người thu nhập thấp. Song, khi giá lúa gạo không tăng sẽ làm cho nông dân làm ra hạt lúa không được hưởng lợi bao nhiêu. Bởi vì, dù giá lúa có tăng cũng không thắng nổi giá phân bón, thuốc trừ sâu và xăng dầu tăng trong thời gian qua.

Mục đích tối thượng phát triển bền vững của xã hội là đạt tới một cuộc sống có chất lượng cao hơn, trong đó có nhu cầu căn bản của con người là cơm no, áo ấm. Nông nghiệp làm gốc nên cần được chăm sóc, vun đắp như các ngành kinh tế mũi nhọn khác từ chính sách, cơ sở hạ tầng và con người, nhất là thu nhập của những người trực tiếp làm ra hạt gạo phải tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nếu những nông dân “một nắng hai sương” vẫn tiếp tục không được hưởng lợi ích tương xứng với sự phát triển kinh tế thì “cái gốc” nông nghiệp không thể cắm rễ sâu, bền chắc trên mảnh đất ổn định xã hội, an ninh lương thực và an sinh xã hội.

Đan Thanh