Khó triệt tận gốc

ANTĐ - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra hiện tượng nhiều tuyến đường quốc lộ, cao tốc bị lún nứt mặt đường nhựa theo vệt bánh xe. Chuyện này chủ yếu xuất hiện ở những tuyến đường mới đưa vào sử dụng khiến dư luận hết sức bức xúc. Lãnh đạo Bộ GTVT, các chuyên gia, tư vấn giao thông đã vào cuộc, nhưng hiện tượng này chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí càng gia cố, khắc phục, tình trạng càng trở nên tệ hại hơn. Khá nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra về kỹ thuật, vật liệu ngoại nhập, kể cả yếu tố khí hậu, thời tiết. Song nguyên nhân sâu xa dường như chưa… tìm ra.

Nhìn một cách bao quát, khách quan từ thực tế có thể thấy, hầu hết các dự án đầu tư công hay đối tác công - tư đều “có vấn đề” bắt nguồn từ tiền đầu tư của ngân sách. Một chuyên gia có kinh nghiệm và am hiểu sâu về lĩnh vực cầu đường cho rằng, cần tập trung “mổ xẻ” những bất cập trong công tác quản lý nhà nước đã tạo ra những lỗ hổng cho các nhà thầu xây dựng lách qua, dẫn đến hiện tượng lún đường trên nhiều tuyến. Hiện nay, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng cầu, đường ở nước ta còn nhiều bất cập, không đồng bộ giữa khảo sát, thiết kế, kiểm tra, giám sát, thi công, kiểm định, khai thác. Đặc biệt, không cập nhật các công nghệ của thế giới, thậm chí không phù hợp điều kiện thực tế của nước ta. Đơn cử, xe tải trọng nặng chạy suốt ngày đêm mà vẫn giữ nguyên phương pháp cũ là thiết kế cấp phối bê tông nhựa. Theo cách lý giải của Bộ GTVT, lún nứt mặt đường chủ yếu là thiếu sót về chất lượng, chứ không phải “sự cố”.

Qua khảo sát thực tế, vị chuyên gia này nhận định, chất lượng đường bê tông nhựa chủ yếu là do khâu thí nghiệm vật liệu và quy trình thi công. Hiện luật quy định chỉ cần nhà thầu thí nghiệm trong phòng hợp chuẩn, chứ không bắt buộc phải thí nghiệm tại hiện trường. Điều này tạo ra một kẽ hở lớn vì số liệu thí nghiệm có thể được “chế tác” theo yêu cầu của nhà thầu. Quy trình thi công, kiểm tra và nghiệm thu cũng chỉ được quy định rất chung chung trong Luật Xây dựng, nên nhà thầu và tư vấn thường “bắt tay” nhau ăn gian khối lượng và chất lượng.

Khi xảy ra lún nứt mặt đường cũng rất khó quy trách nhiệm, xử phạt vi phạm của chủ đầu tư, ban quản lý, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, giám sát vì Luật Xây dựng chưa quy định chuẩn mực rõ ràng. Ở các nước, tư vấn giám sát phải có khoản tài chính đề bồi thường thiệt hại do lỗi mình gây ra, ở nước ta chưa có quy định này. Rõ ràng là, nếu không bịt kín kẽ hở trong quản lý nhà nước, thì cầu, đường lún nứt không thể xử lý triệt để tận gốc được.