Hiến pháp mới sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

ANTĐ - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sắp được Quốc hội thông qua, để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội về vấn đề hệ trọng này.

- Trong quá trình thảo luận, theo ông những vấn đề nào nhận được nhiều sự quan tâm và cần sự thống nhất cao?

- Vẫn còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau và cần lấy ý kiến của các ĐBQH để có tính thống nhất cao, trong đó có lĩnh vực kinh tế và tổ chức bộ máy, tập trung vào chương Chính quyền địa phương. Cụ thể, mô hình chính quyền địa phương trong Hiến pháp sửa đổi quy định như thế nào, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới. Vấn đề này sẽ được xử lý theo hướng mở.

- Đối với vấn đề kinh tế thì sao, thưa ông?

- Điểm mới là nhập Chương kinh tế trước đây ở Chương 2 với Chương 3 thành một chương. Chương kinh tế trong Hiến pháp hiện hành quy định rất dài, cụ thể. Kinh tế là lĩnh vực luôn vận động nếu quy định càng cụ thể bao nhiêu, sẽ nhanh bị lạc hậu bấy nhiêu. Cho nên, lần này, qua nghiên cứu cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, phần kinh tế sẽ mang tính phổ quát. Thay vì trước quy định cụ thể các thành phần kinh tế, Hiến pháp lần này quy định chung mô hình kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

- Vấn đề kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hiểu như thế nào? 

- Lĩnh vực trên cũng được xác định có vị trí nhất định và chủ trương của Đảng cũng xác định vị trí của từng thành phần kinh tế. Nghiên cứu khoa học về cơ sở lý luận thực tiễn trong sửa đổi Hiến pháp 1992, chúng tôi đề xuất phương án về sửa đổi Hiến pháp. Điều liên quan đến điểm này ghi là kinh tế Nhà nước là chủ đạo nhưng cách viết nhẹ đi, ẩn trong đó thể hiện sự bình đẳng giữa các nền kinh tế. Ý kiến của chúng tôi chỉ là một, còn quyền quyết định là của các ĐBQH. 

- Hiến pháp sửa đổi được thông qua sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội?

- Đây là bản Hiến pháp mới, trong đó phần nội hàm mang nhiều vấn đề mới. Điều đó đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra của việc sửa đổi, do đó chắc chắn sẽ quan trọng trong sự phát triển của đất nước, trong đó có quyền con người, mà đây là quyền quan trọng nhất, khi đã được phát huy sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội.