Đổ mồ hôi trên thao trường để bớt đổ máu trong chiến trận

ANTĐ - Tập huấn chiến dịch là việc thường niên nhưng có lẽ chưa lần nào Quân khu 5 làm quyết liệt và sâu sát như lần này, với mục đích nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp trong thực hành tác chiến.

Về Núi Thành nghe chiến lệ

Ý tưởng đưa chiến lệ vào tập huấn được Bộ Tư lệnh Quân khu tính đến từ sau diễn tập lần trước. Khu 5, mảnh đất của những trận đánh nổi tiếng từng lưu vào sử sách, liệu có phai mờ nếu không được thường xuyên khêu gợi, nghiên cứu? Vậy là, có cuộc hành quân của 275 cán bộ cao cấp, chủ trì các cơ quan, đơn vị của Quân khu về Núi Thành, trận đầu đánh Mỹ.

Dã chiến nhưng không hề tạm bợ. Sư đoàn 315- địa bàn được chọn- và Phòng Tác chiến Quân khu đã có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc "đổ quân". Từ con đường mòn chênh vênh dài hơn cây số có bàn tay hàng trăm CBCS san ủi cải tạo nay đã phẳng phiu, ô-tô lên được đến tận nơi. Mỏm đồi cũng được san bằng để có thể quan sát thực địa dễ dàng. Sơ đồ được phóng to thể hiện từng vị trí bố trí của "địch", các mũi tiến công của ta. Giữa chiến trường xưa, mọi người hào hứng nghe cựu chiến binh Trần Ngọc Ảnh, dũng sĩ diệt Mỹ đầu tiên tái hiện lại trận đánh 47 năm trước. Ai nấy không khỏi khâm phục khi Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, Quảng Nam với cách đánh bí mật, áp sát mục tiêu  trong 25 phút tiến công đã loại khỏi vòng chiến đấu 139 lính Mỹ, thu nhiều vũ khí, phương tiện của địch, trả lời cho cả nước và thế giới biết là Việt Nam đánh được Mỹ và thắng Mỹ. Bài học từ chiến lệ Núi Thành đó là: xây dựng bản lĩnh cho CBCS quyết tâm chiến thắng; nắm chắc địch, coi trọng yếu tố bất ngờ, bảo đảm công tác chuẩn bị ở cấp phân đội, với binh lực, hỏa lực ít nhưng có cách đánh sáng tạo, linh hoạt vẫn giành thắng lợi...

Sa bàn đổ mồ hôi...

Khi nói về kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu trước CBCS Sư đoàn 2, vị tướng huyền thoại Nguyễn Chơn đã có lời gan ruột rằng, dân chủ quân sự, trí tuệ của tập thể nhất thiết phải thể hiện qua phương án, cách đánh trên sa bàn, bản đồ; từ cán bộ mới đề bạt đến tân binh vừa bổ sung đều phải nắm vững các tình huống trên sa bàn, đó là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi. Sa bàn có đổ mồ hôi, chiến trường mới bớt đổ máu...

Từ sa bàn đến nghiên cứu "chiến trường".
Từ sa bàn đến nghiên cứu "chiến trường".

 Từ sa bàn đến  nghiên cứu "chiến trường". 

Kết hợp nói và chỉ trên sa bàn vẫn là khâu mà cán bộ Quân khu 5 cần phải rèn luyện hơn nữa. Tập huấn lần này đã dành nhiều thời gian để học viên "chiến đấu" trên sa bàn, bản đồ, thể hiện trình độ, khả năng tác chiến, vận dụng lý luận vào thực tiễn nhiệm vụ. Lấy chiến dịch tiến công địa bàn Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam tập bài, các cuộc tranh luận "nảy lửa" đã diễn ra suốt 2 ngày tại Trung tâm huấn luyện chiến dịch cơ quan Quân khu và Trung tâm TDTT quốc phòng III. Trong phiên họp Hội nghị Đảng ủy chiến dịch thông qua quyết tâm của tư lệnh chiến dịch (tập bài) và kế hoạch hiệp đồng tác chiến chiến dịch giữa các đơn vị chủ lực của Quân khu với hoạt động của LLVT địa phương trong khu vực phòng thủ, Thiếu tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 đã thẳng thắn nhận xét và góp ý về công tác tổ chức chiến đấu và điều hành tác chiến của các đồng chí chỉ huy.

Đó là phải bám sát tư tưởng chỉ đạo: Chủ động, bất ngờ, kiên quyết, liên tục và chắc thắng. Việc triển khai các đợt chiến dịch, nhất là trận then chốt, then chốt quyết định; các hướng tiến công, tổ chức hỏa lực... phải bảo đảm nguyên tắc chiến thuật, đánh giá đối tượng tác chiến xuất phát từ tình hình thực tiễn là địch có ưu thế vũ khí công nghệ cao, sử dụng chiến tranh liên hợp, tận dụng lực lượng đồng minh và phản động trên địa bàn, khuyên cán bộ nên học hỏi cách đánh truyền thống của cha ông ta, nghiên cứu kỹ các chiến lệ từ Bồ Bồ, Núi Thành, Ba Gia, Vạn Tường...; không chỉ cán bộ chưa qua chiến đấu mới học mà những ai từng trải trận mạc cũng không ngừng nghiên cứu tài liệu để làm mới mình.

"Vỡ vạc" nhiều từ tập huấn

Tại các lớp tập huấn, dễ nhận thấy sự miệt mài, nghiêm túc của các cán bộ chủ trì, nhiều người thức trắng đêm để chỉn chu tập bài của mình. Không có trường hợp để cấp dưới làm thay. Theo đánh giá sơ bộ, nội dung tập bài  năm nay hầu hết đều đúng với ý định của Bộ Tư lệnh và Ban chỉ đạo. Báo cáo quyết tâm của Đại tá Ngô Quý Đức, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Quảng Nam trên cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn BB2, Thượng tá Huỳnh Đắc Hải, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thông tin 575 và nhiều chỉ huy khác được khen ngợi bởi đã thoát ly văn bản, thuần thục địa bàn và nhiệm vụ đơn vị. Đại tá Đoàn Kiểu, CHT Bộ CHQS Đắc Nông, người vừa rời ghế Học viện Quốc phòng đã cho rằng, nắm chắc lý luận, nguyên tắc chiến thuật là chìa khóa thành công của người chỉ huy, đôi khi cán bộ quá sa vào những việc sự vụ của địa phương, đơn vị mà coi nhẹ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đại tá Hoàng Lê, Chính ủy Bộ CHQS Kon Tum chân nhức buốt đi lại khó khăn vậy mà vẫn bám tổ của mình suốt đêm. Ông cho biết: "Việc hoán đổi cương vị (chỉ huy sư đoàn làm chỉ huy trưởng tỉnh và  ngược lại) là nét mới của tập huấn lần này. Sắp tới Kon Tum diễn tập khu vực phòng thủ. Lớp tập huấn là cơ hội bổ ích để chỉ huy học hỏi, vận dụng, tổ chức vào điều kiện thực tế của địa phương". Đại tá Hoàng Thắng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Phòng không 573 khẳng định: "Tập huấn lần này đã giúp chúng tôi "vỡ vạc" ra nhiều điều; tư duy chiến dịch, chiến thuật đã được nâng lên một bước".

7 ngày trở lại làm học viên, nạp thêm chất xám, tiếp thêm quyết tâm và niềm tin trên cương vị đảm nhiệm, với cán bộ chủ trì các đơn vị của Quân khu 5, đây chắc chắn là 7 ngày bổ ích nhất trong 365 ngày của năm 2012 này.