Đề án nhượng quyền thu phí quản lý vịnh Hạ Long trong 50 năm:

Di sản không phải là “mỏ vàng”

ANTĐ - Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long vừa được Tập đoàn Bitexco đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh. Đề án được xây dựng nhằm hướng tới khai thác, quản lý tổng thể Di sản Thiên nhiên thế giới và cũng là di sản quan trọng bậc nhất ở Việt Nam.

Không thể đơn thuần khai thác, thu lợi nhuận mà quên đi giá trị vĩnh cửu của di sản

Nhượng quyền trong 50 năm

Theo đó, Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch của Bitexco gồm 5 phần chính: Hiện trạng du lịch của vịnh, đề xuất phương án kinh doanh, đề xuất mô hình nhượng quyền, kế hoạch triển khai và năng lực của Tập đoàn. Mục tiêu mà Tập đoàn này đưa ra là nhằm phát triển Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực, tạo thương hiệu đẳng cấp quốc tế, đồng thời đảm bảo phù hợp chiến lược vùng, tính bền vững của thiên nhiên và tính an toàn cho du khách. Tập đoàn Bitexco đề nghị nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long và Bái Tử Long trong vòng 50 năm.

Cũng theo đề xuất, hợp đồng giữa hai bên được thực hiện trên nguyên tắc tận dụng thế mạnh các bên, chia sẻ rủi ro và lợi ích hợp lý; giảm thiểu sự thay đổi, không gây ảnh hưởng bất lợi cho các bên; giảm bớt trách nhiệm, rủi ro và đảm bảo doanh thu cho tỉnh; mang lợi ích kinh tế đủ hấp dẫn cho nhà đầu tư. Chiều 22-7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có cuộc làm việc và lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành liên quan xung quanh đề án này. Các ý kiến đóng góp cũng xoay quanh không gian thu phí và quản lý du lịch, lộ trình, cơ chế quản lý, phát triển du lịch…

Không phải tiền nhiều mà làm được

Ngay sau khi nhận được thông tin về Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long của Bitexco, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi cùng ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL. Đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết, hiện tại Bộ chưa nhận được văn bản chính thức nào từ phía địa phương. 

Xung quanh sự việc trên, ông Phan Đình Tân cho biết: “Hạ Long không chỉ là một điểm du lịch bình thường mà cần phải nhấn mạnh tính văn hóa, bởi danh thắng này đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đối với một Kỳ quan thiên nhiên thế giới thì không thể đối xử với nó theo cách thông thường. Theo khuyến nghị của UNESCO, với mỗi di sản, ngoài việc để cho cộng đồng được thụ hưởng thì những nhà quản lý còn phải có trách nhiệm quảng bá, gìn giữ. Không thể đơn thuần khai thác, thu lợi nhuận mà quên đi giá trị vĩnh cửu”. 

Đại diện Bộ VH-TT&DL cũng khẳng định, nếu nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch di sản vịnh Hạ Long và Bái Tử Long trong vòng 50 năm thì không thể yên tâm được. Không chỉ là Di sản từng được UNESCO vinh danh mà nơi đây còn là biểu tượng du lịch Việt Nam, thắng cảnh số 1 và cũng là xuất phát điểm của du lịch Việt Nam.

Cũng theo Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL, hiện trên thế giới không hiếm các mô hình di sản được quản lý bởi các công ty, tập đoàn. Có mô hình thành công nhưng cũng không hiếm mô hình quản lý thất bại. Muốn thành công phải để mắt thường xuyên, phải thắt chặt quản lý, không thể khoán trắng và cũng không phải cái gì cũng áp công thức xã hội hóa. Đặc biệt, trong trường hợp này vịnh Hạ Long không phải là một món hàng trao đổi, có làm bất cứ việc gì cũng phải cần đặc biệt thận trọng và cân nhắc, di sản không phải là món hàng, không phải nhiều tiền là có thể làm được mọi việc. Chỉ nên thử nghiệm trong một vài khâu nào đó. Không thể một lần khoán trắng.  

Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn: Không được quên vai trò quản lý Nhà nước

Hiện nay tôi chưa có thông tin gì về việc Tập đoàn Bitexco đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch tại vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, nên cũng chưa thể có bình luận gì nhiều. Nhưng về nguyên tắc, cần phân biệt rõ giữa Quản lý Nhà nước và Quản lý chuyên ngành cũng như các hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. 

Nhà nước khuyến khích việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng cần phải rõ ràng giữa thẩm quyền và chức năng của địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành. Những gì thuộc về trách nhiệm của quản lý Nhà nước thì không thể giao cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với trường hợp này phải làm rõ phí và lệ phí là gì. Nguồn thu ngân sách Nhà nước thế nào và ai là người làm việc đó. Cuộc sống luôn vận động, cần phải thay đổi tư duy nhưng vấn đề là cách tiếp cận như thế nào?

Tôi chưa thể nói ủng hộ hay không mà tôi muốn nhấn mạnh đến việc tách bạch chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước với đơn vị, doanh nghiệp tổ chức kinh doanh dịch vụ. Theo nguyên tắc ai làm gì tốt hơn thì tạo điều kiện cho người ta nhưng phải có quản lý, giám sát, không được làm lu mờ, mất đi vai trò của quản lý Nhà nước, quản lý chuyên ngành.