Công dân sẽ được dự họp Quốc hội

ANTĐ - Ngày 15-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Chiều cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu 
tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo dự luật, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật quy định rõ, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao trên cơ sở hoạt động giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH. Luật tổ chức Quốc hội nêu rõ, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các ĐBQH theo đề nghị của Chủ tịch nước. Quốc hội sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người... Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Cho ý kiến vào dự luật, nhiều ý kiến đề nghị nâng cao vai trò, vị trí để Đoàn ĐBQH có thể chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri tại địa phương. Có ý kiến đề nghị tăng thêm thẩm quyền đối với Trưởng Đoàn ĐBQH. Dự thảo cũng đưa ra một nội dung mới là “công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội”. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến, công dân chỉ có thể dự khán, quan sát, theo dõi phiên họp của Quốc hội. Ngoài ra, có ý kiến trong UBTVQH đề nghị tăng số lượng ĐBQH chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số ĐBQH, thậm chí 45% hoặc 50%. Tuy nhiên, để hài hòa giữa chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách và yêu cầu bảo đảm chất lượng cũng như khả năng tổ chức, bố trí nhân sự, Ban soạn thảo xin giữ nguyên quy định “số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH” như tại Điều 110 của dự thảo.

Chiều 15-4, thừa ủy quyền của Chính phủ, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày tờ trình Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo đó, trong quá trình thực hiện, một số quy định của Luật Công an nhân dân đã bộc lộ vướng mắc, bất cập hoặc chưa đầy đủ như nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân; cấp bậc hàm, hạn tuổi phục vụ, chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ... Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật có quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân đòi hỏi Luật Công an nhân dân năm 2005 phải được sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ, thống nhất với các luật mới ban hành. Ngoài ra, BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương mới về bảo vệ Tổ quốc, về bảo vệ an ninh, trật tự đòi hỏi phải quán triệt, thể chế hóa bằng các luật, trước hết là Luật Công an nhân dân.

Việc xây dựng dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là rất cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. 

Cụ thể, Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) gồm 7 chương, 42 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; khen thưởng và xử lý vi phạm...

Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, việc quy định cấp bậc hàm đối với Giám đốc CA tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nên xác định theo quy mô dân số. Riêng với 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), ông Ksor Phước đồng ý nên quy định như dự thảo (Giám đốc CATP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, cần rà soát lại kỹ càng để đảm bảo dự luật thống nhất với các luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Nhà ở...