Chưa thống nhất tiêu chí lựa chọn quốc phục

ANTĐ - Vấn đề Quốc phục lại trở nên  nóng hơn khi Bộ VH-TT&DL đưa vấn đề ra tại một cuộc hội thảo với tên gọi “Lễ phục  Việt Nam và tiêu chí lựa chọn”. Đây là lần thứ 3, trong nhiều năm trở lại đây, việc tìm quốc phục được bàn thảo, tốn không ít giấy mực của báo chí cũng như công sức của các nhà nghiên cứu…

Áo dài truyền thống mặc nhiên được công nhận là quốc phục dành cho nữ giới. Ảnh: Phú Khánh

Mặc áo dài, đàn ông bớt… nam tính

Đối với nữ giới, áo dài truyền thống mặc nhiên đã được các nhà nghiên cứu văn hóa coi là quốc phục. Vì thế, phần lớn thời gian dành phân tích, tranh luận và đưa ra tiêu chí thống nhất cho quốc phục của nam giới. Trong đó, bộ lễ phục áo the, khăn xếp, chân đi hài xuất hiện tại lễ hội Đền Hùng nhiều năm nay nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất.

Theo PGS.TS, họa sỹ Lê Anh Vân “đàn ông mặc trang phục áo dài không được nam tính, khăn xếp thì không phù hợp và theo tôi không nhất thiết phải có khăn cuốn. Tiêu chí cho bộ quốc phục ngoại giao là phải đẹp, sang trọng và giới tính rõ ràng. Chiếc áo dài dành cho nam giới có thể làm ngắn lên, chất liệu cứng cáp hơn… hoặc bằng cách nào đấy, các nhà thiết kế cần sáng tạo thêm để bộ trang phục trở nên phù hợp hơn. Người đàn ông sẽ tự tin khi họ cảm thấy đẹp”. Các ý kiến còn phân tích về sự không thích hợp của bộ lễ phục lễ hội Đền Hùng chính ở sự không sang trọng và lịch thiệp. Lễ phục đang được bàn tới trong hội thảo là lễ phục dùng trong các nghi lễ ngoại giao. Nhưng bộ lễ phục lễ hội Đền Hùng chỉ dùng trong các dịp lễ hội, cúng giỗ, cưới xin, tuy gắn bó với đời sống của người dân nhưng để giao lưu quốc tế thì chưa thật sự phù hợp.

Đồng tình với ý kiến của họa sỹ Lê Anh Vân, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng lễ phục sẽ được chia thành quốc phục dành cho các nhà lãnh đạo quốc gia sử dụng trong những ngày lễ lớn có tính nhà nước và thường phục. Chỉ có quốc phục mới cần sự can thiệp của nhà nước, còn thường phục, người dân sẽ tùy ý lựa chọn. Những bộ áo dài dành cho nam giới vẫn thường thấy tại lễ hội Đền Hùng không thể được bình chọn làm quốc phục Việt Nam. Bởi về màu sắc, rất tế nhị khi màu vàng thì tượng trưng cho vua chúa, các quan tứ trụ: màu đỏ huyết dụ, các quan thượng thư: màu lam, các quan phủ huyện: màu xanh, màu đen. Hơn thế, nhìn ra các nước bạn như Nhật Bản, họ vẫn sử dụng các bộ Âu phục có đuôi cánh chuồn trong các nghi thức ngoại giao trang trọng và Kimono được sử dụng trong các sinh hoạt đời sống hàng ngày, rất truyền thống, bản sắc. Vậy, Việt Nam cũng không nhất thiết sử dụng bộ lễ phục tại lễ hội Đền Hùng vào các nghi thức như trình quốc thư, hội đàm quốc tế. Như vậy, tiêu chí mà nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra là sự sang trọng, oai phong nhưng không thiếu đi bản sắc văn hóa dân tộc. 

Tiếp tục hội thảo để xin ý kiến

Nhà văn Hoàng Quốc Hải lại đưa ra tiêu chí, bộ quốc phục cần dựa trên cái nền của quốc phục đã được chế tác-bộ lễ phục lễ hội Đền Hùng. Ông cho rằng, “sao ta cứ phải đi tìm cái gì ngoài ta mà không nối tiếp truyền thống đã có. Khai thác hai mẫu lễ phục dùng cho lễ hội Đền Hùng và các bộ may tặng các nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị APEC năm 2005 để lựa chọn ra những ưu việt nhất, từ đó tìm ra kích thước, công thức cho các cỡ người để đưa vào phần mềm máy tính là ổn”. Minh họa cụ thể hơn cho sự ưu việt của bộ lễ phục lễ hội Đền Hùng, TS. Nguyễn Thủy Vinh, nguyên Giám đốc Viện Thời trang Fadin cho biết, công ty của bà hàng năm vẫn nhận may bộ lễ phục này và số lượng đang tăng dần theo từng năm đã cho thấy, cho dù bộ lễ phục lễ hội Đền Hùng chưa được công nhận nhưng người dân đang dần từng bước chấp nhận. TS. Thủy Vinh cũng cho biết thêm, bản thân bà là một nhà thiết kế nên nhận thấy bộ lễ phục cho nam giới như vậy là ổn nhưng về phần mũ thì rất khó, đo vòng đầu không chuẩn là không thể đội được và cần sự cân nhắc có nên đưa thêm mũ vào bộ lễ phục này không. 

Cuộc hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp và các bài tham luận nhưng chưa đi đến thống nhất về tiêu chí lựa chọn quốc phục Việt Nam. Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định sự quyết tâm của Bộ VH-TT&DL: “Sẽ làm triệt để để tìm ra bộ quốc phục Việt Nam”. Sau cuộc hội thảo này, Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ tiếp tục tiến hành hội thảo tại miền Trung và miền Nam để xin ý kiến của các nhà nghiên cứu. Sau đó, Bộ VH-TT&DL sẽ thành lập ban chỉ đạo đề án quốc phục và phát động cuộc thi thiết kế mẫu quốc phục Việt Nam và trình Quốc hội.