‘‘Chơi” với Trung Quốc thì phải tính lâu dài

ANTĐ - Từ việc thực hiện “chủ quyền trên giấy”, thời gian gần đây Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh những hành động biến cái chủ quyền mà Trung Quốc tự vẽ ra thành chủ quyền trên thực tế. Những động thái của Trung Quốc trên biển và trên bàn đàm phán trong hai năm qua cho thấy Bắc Kinh đang dần hiện thực hóa mưu đồ muốn kiểm soát Biển Đông, bất chấp sự phản ứng của các láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. 

Tuy nhiên, không có nghĩa muốn là được. Bởi thực tế chỉ ra rằng Trung Quốc đang đối mặt với nhiều bất lợi. Chuyên gia Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu phân tích về mưu đồ cũng như  những bất lợi của Trung Quốc. Ông cũng cho rằng trong việc giành lại chủ quyền ở Biển Đông, chúng ta đang có nhiều lợi thế.

- Thưa ông, Trung Quốc ngày càng tỏ rõ ý đồ bá chiếm Biển Đông thông qua hàng loạt “chiêu trò” để khiêu khích chúng ta. Ông có bình luận gì về những động thái gần đây nhất của Trung Quốc liên quan đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam?

- Hành động mới đây nhất là Trung Quốc đưa 23.000 “tầu cá”tiến vào Biển Đông để khai thác cá trái phép. Trước đó, Trung Quốc đã thực hiện nhiều động thái thăm dò như điều động 4 tàu hải giám từ căn cứ ở đảo Hải Nam thực hiện tuần tra trên Biển Đông, tổ chức diễn tập tại vùng biển gần bãi Châu Viên thuộc Việt Nam. Ít ngày sau đó, 30 tàu cá Trung Quốc, dưới sự hộ tống của tàu ngư chính 310 đã rời đảo Hải Nam để tiến đến khai thác trên biển Đông. Và chắc chắn Trung Quốc sẽ có những hành động như phái tàu tuần tra đến Biển Đông dưới danh nghĩa bảo vệ 23.000 tàu cá.

Gần đây nhất, thông tin mà tôi biết được  là Cảnh sát biển Trung Quốc được bổ sung thêm loại tàu đặc chủng kiểu 718 dài hơn 100m, độ choán nước khoảng 1.500 tấn, có bãi đáp trực thăng và mang theo pháo 37 ly. Ngoài ra, lực lượng này cũng được trang bị thêm nhiều tàu tuần tra kiểu 218 có chiều dài 42m, độ choán nước 150 tấn, mang theo súng cỡ nòng lớn…

Việc tăng cường trên được xem là sự chuẩn bị để cảnh sát biển Trung Quốc mở rộng hoạt động ra xa bờ chứ không giới hạn trong các khu vực trước đây. Và việc họ sẽ tăng cường kiểm soát các vùng biển là để thực hiện cái gọi là “khẳng định chủ quyền”, chiếm đoạt Biển Đông. Có thể thấy, Trung Quốc đang tích cực thực hiện chính sách “lấy thịt đè người”, tức là lấy số đông để áp đảo, nhưng mọi ngưòi đêu biết, số đông chưa chắc đã mạnh.

- Đó là những hành động gây hấn trong thời gian gần đây, song có phải những hành động đó đã cho thấy mưu đồ, tham vọng  bá quyền Biển Đông cua họ đã có từ rất lâu?

- Biển Đông với Trung Quốc không chỉ là tham vọng bá quyền, mà là vấn đề sống còn. 30 năm nay, Trung Quốc đã khai thác đất liền cạn kiệt, giờ phải hướng ra biển. Nhưng phía Bắc, phía Đông, phía Tây đều vướng những nước có quan điểm rất cứng rắn như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ… Vì vậy, Trung Quốc chỉ có thể nhắm đến phía Nam là Biển Đông, nơi các nước được cho là yếu thế hơn.

Liên tục hàng chục năm qua, Trung Quốc âm thầm chuẩn bị cho ngày hôm nay, bằng cách tuyên truyền “bôi đen” Việt Nam rằng Việt Nam chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của họ… Và đa số người dân Trung Quốc đều tin vào luận điệu đó. Chính phủ Trung Quốc luôn tìm cách biến những “nạn nhân” của họ trở thành “thủ phạm”. Điểm lại những tranh chấp liên quan đến Trung Quốc từ xưa đến nay, Trung Quốc luôn tuyên truyền rằng Liên Xô, Mỹ, Ấn Độ… là những kẻ gây chiến với họ, còn họ luôn luôn là “nạn nhân” là “lẽ phải”.

- Liên tục có những hành động gây hấn và bị dư luận thế giới chỉ trích, ông có nghĩ Trung Quốc đã “hết bài”?

- Đã nói đến Trung Quốc thì không chỉ nói hiện tại được mà phải dự kiến trong tương lai. Trong chuyện đối phó với những âm mưu ý đồ và những hành động cụ thể của Trung Quốc Việt Nam và một số nước trong ASEAN có liên quan đến Biển Đông nói chung ở thế bị động. Trung Quốc rất “lắm mưu nhiều kế”, vì vậy chắc chắn họ sẽ còn bày các trò khác chứ chưa dừng lại. Vì vậy, “chơi” với Trung Quốc là phải tính lâu dài, phải có con át chủ bài để đối phó, và phải chuẩn bị cho những hành động xấu nhất mà Trung Quốc có thể tung ra.

- Vậy lý do gì khiến ông nghĩ Trung Quốc “đông nhưng không mạnh”?

- Trung Quốc liên tục “diễu võ giương oai”, nhưng thực tế họ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: Thứ nhất, họ không có “địa lợi”. Mọi người nhớ rằng trong cuộc hải chiến Malvinas năm 1982 giữa Anh và Argentina, một tên lửa đất đối hạm của Argentina bắn chìm một chiếc chiến hạm lớn của Hải quân Anh. Chúng ta có cả một đường bờ biển dài, đây sẽ là lợi thế rất lớn. Chính Trung Quốc cũng thừa nhận “đánh Trường Sa thì dễ nhưng giữ Trường Sa rất khó”. Thêm nữa, chỉ cần Việt Nam khóa được cái eo biển Malacca là Trung Quốc bị cắt ngay một nguồn cung dầu khí quan trọng.

Thứ hai là Trung Quốc không có bạn đồng minh. Họ cũng đã từng bàn luận về việc nếu chiến tranh xảy ra, họ có bao nhiêu người bạn. Trong khi đó, Đông – Tây – Nam – Bắc, họ đều không yên ổn. Phía Bắc hiện vấn đang tiềm ẩn tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Nga, phía Tây là Ấn Độ, phía Đông Bắc là Nhật Bản, ngay trong Hoàng hải là Hàn Quốc, phía Nam là Việt Nam. 

Thứ ba là vấn đề nội bộ Trung Quốc mâu thuẫn gay gắt, cả về vấn đề dân tộc, bất công giàu nghèo, môi trường… Những vùng kinh tế phát triển nhất, dân trí cao nhất Trung Quốc hiện nay chính là những vùng mà vấn đề bãi công biểu tình chống chính quyền diễn ra phức tạp nhất như ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô… 

- Ngược lại, Việt Nam chúng ta  đang có nhiều lợi thế?

- Đúng vậy. Ta hãy làm một so sánh thời điểm hiện tại với hơn 30 năm trước. Khi đó chúng ta là một nước nghèo, lại bị cô lập về ngoại giao, kinh tế, bị cấm vận... Còn bây giờ, GDP chúng ta đã đạt 100 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 1.000 USD. Chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với hầu khắp các nước trên thế giới, tham gia Liên hợp quốc, ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác… Trong vấn đề Biển Đông hiện nay, rõ ràng chúng ta được sự ủng hộ của bạn bè thế giới rất nhiều. Không những thế, chưa bao giờ chúng ta nhận được sự đồng lòng ủng hộ lớn đến vậy từ các kiều bào nước ngoài trong việc đối phó với Trung Quốc ở biển Đông. Đây  là một lực lượng rất đáng coi trọng.

- Còn về khối ASEAN, ông đánh giá vai trò của tổ chức này như thế nào trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông? 

- ASEAN là một khối địa lý gần nhau nhưng trong đó tồn tại nhiều khác biệt về thể chế chính trị, tôn giáo, dân tộc, trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Đặc biệt là quyền lợi tại Biển Đông, có nước có biển, có nước không có biển. Vì vậy, được thống nhất như ngày hôm nay, tôi nghĩ là một nỗ lực rất lớn của tất cả các thành viên. Muốn có lợi thì chúng ta phải quan tâm đến lợi ích của người khác. Chúng ta cần dựa vào mối liên kết ASEAN, không mắc vào bẫy song phương với Trung Quốc mà phải kiên quyết giải quyết trên mối quan hệ đa phương. Tôi dám chắc chúng ta không đàm phán song phương thì các nước bạn cũng sẽ không song phương, dù Trung Quốc đang ra sức thực hiện chính sách “chia để trị”.

- Chúng ta có thể tin tưởng một giải pháp hòa bình trên Biển Đông?

- Giải pháp hòa bình tất nhiên là mong muốn không chỉ của Việt Nam mà bất kỳ của một quốc gia nào có lương tri trên thế giới. Không ai muốn tiêu hao sức người sức của vào chiến tranh. Nhưng cái gì có lợi cho đại cục thì chúng ta phải thực hiện. Chúng ta muốn  hòa bình, nhưng chúng ta không cắt đất cầu hòa, không “nhún nhưòng” vô nguyên tắc, quyết không từ bỏ quốc thể tôn nghiêm! 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!