Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII:

Chính phủ mới gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ

ANTĐ - Hôm qua, 1-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước Quốc hội dự kiến cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ khóa XIII.

Thủ tướng Nguyễn Tấn  Dũng trao đổi với đồng chí Lê Hồng Anh,

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (bên phải) và Chánh án TAND

tối cao Trương Hòa Bình trong giờ nghỉ giải lao phiên họp Quốc hội

Theo đó, Chính phủ khóa mới sẽ bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và 22 thủ trưởng các bộ và cơ quan ngang bộ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức gồm 18 bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ GT-VT, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ TT-TT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ VH-TT&DL, Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế. 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, còn có 8 cơ quan thuộc Chính phủ nhưng không làm chức năng quản lý nhà nước. Các Phó Thủ tướng sẽ phụ trách các khối: kinh tế tổng hợp và chính sách phát triển nông thôn; kinh tế ngành và phát triển sản xuất; khoa học giáo dục và văn hóa xã hội; nội chính kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, Chính phủ khóa XII đã có một bước thay đổi về cơ cấu. Năm 2007, QH đã phê chuẩn việc sáp nhập một số bộ thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Sắp tới, Chính phủ sẽ khẩn trương điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để quản lý tốt hơn, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, năng lượng, môi trường... nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và nhân dân của các thành viên Chính phủ…

Cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo thẩm tra về Tờ trình nêu trên của Chính phủ. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành phương án cơ cấu Chính phủ mà Thủ tướng trình. “Sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Hiến pháp 1992, cũng như các luật tổ chức Chính phủ liên quan. Mọi thay đổi sẽ được xem xét sau khi tổng kết đánh giá toàn diện hoạt động cũng như sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 (dự kiến vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII). Vì vậy, chưa nên có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ này” - ông Phan Trung Lý nhận định.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng để tránh trùng lặp trong công việc giữa các thành viên Chính phủ, giữa các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Chính phủ khóa mới nên tiến hành rà soát hoạt động các cục, tổng cục để xem xét cơ quan  nào không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ phải tiến hành tổ chức, sắp xếp lại.

Trong ngày 1-8, các đoàn ĐBQH sẽ thảo luận về cơ cấu tổ chức của Chính phủ để đưa ra quyết định tại phiên họp sáng nay, 2-8. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Danh sách các thành viên Chính phủ sẽ được thảo luận tại các đoàn ĐBQH họp trước khi thông qua danh sách vào phiên họp sáng 3-8. Cũng trong phiên họp sáng 3-8, QH bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Sau khi có kết quả phê chuẩn, Thủ tướng sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu nhậm chức.

Chính phủ khóa XII có 5 Phó Thủ tướng gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng phụ trách khối nội chính, đồng thời là Phó Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng phụ trách văn hóa, giáo dục, y tế Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành Hoàng Trung Hải. Chính phủ khóa XII cũng có 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

Ông Đinh Tiến Dũng được giới thiệu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước

Theo Tờ trình do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc trước Quốc hội sáng 1-8, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ông Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1961, quê quán xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; là cử nhân kinh tế tài chính, thạc sĩ quản trị kinh doanh. Trước khi làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, ông Đinh Tiến Dũng đã từng kinh qua các chức vụ: Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Theo chương trình kỳ họp, hôm nay, 2-8, Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước.