Chỉ lấy mẫu xét nghiệm H7N9 với người bệnh bị nghi ngờ

ANTĐ - Sáng 5-4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Sở Y tế Hà Nội đã họp khẩn cấp để hoàn tất và sớm thông qua Dự thảo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh H7N9 trên người. Tính đến hết ngày 5-4, tại Trung Quốc đã có 14 ca mắc, 6 ca tử vong do bệnh này.

Kiểm tra công tác kiểm dịch phòng bệnh H7N9 tại sân bay Nội Bài

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ về cơ chế lây truyền bệnh H7N9, có thể từ gia cầm, từ chim hoặc từ lợn. Virus này cũng chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Theo ông Cảm, ngành y tế Hà Nội đã có kinh nghiệm trong phòng chống các dịch cúm gia cầm nên nếu dịch H7N9 xuất hiện thì hoàn toàn có thể ứng phó được.

Trước mắt, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm người mang virus H7N9 giống như quy trình lấy mẫu xét nghiệm cúm A/H5N1, chuyển thẳng mẫu tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm. Tuy nhiên việc lấy mẫu chỉ tiến hành với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh bởi xét nghiệm mẫu khá đắt, khoảng 2 triệu đồng/mẫu, nếu làm rộng không những gây lãng phí mà còn khiến dân chúng hoang mang. Trong tuần tới, TTYTDP sẽ triển khai tập huấn phòng, chống bệnh này đến tất cả 29 quận, huyện.

Liên quan đến công tác kiểm dịch quốc tế tại cửa khẩu Nội Bài, ông Phạm Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế - Sở Y tế Hà Nội cho biết, Trung tâm đã tổ chức 5 cán bộ trực 24/24 giờ tại sân bay làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, khám nhanh để sàng lọc khách quốc tế xuống sân bay, đặc biệt với các trường hợp có biểu hiện sốt, đến hoặc về từ vùng có dịch.

Cũng tại cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chủng cúm H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc gần đây là chủng đầu tiên gây bệnh trên người. Việc điều trị loại cúm này vẫn có thể dùng thuốc Tamiflu và Zanamivir- dạng xịt, khí dung, siro. Cũng theo ông Kính, hiện nay cúm H7N9 có độc lực ghê gớm như H5N1 nhưng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng bởi các bác sĩ ở Trung Quốc đã khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây từ người sang người và cả thế giới cũng mới chỉ có Trung Quốc công bố ca bệnh. Dự kiến trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ ban hành phác đồ điều trị với loại cúm này.