Chất vấn kỳ họp thứ 10- HĐND TP Hà Nội: Nóng với chữ "đang"!

ANTĐ -Mở đầu phiên chất vấn kỳ họp thứ 10- HĐND TP Hà Nội sáng nay 10-7, nhiều đại biểu lo ngại về vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản và vấn đề khoa học công nghệ, chuyện tàu hút bùn "đắp chiếu" 4 năm chưa được ứng dụng.

4.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản

GĐ Sở KH-ĐT: "Tháng 8 sẽ có Kết luận thanh kiểm tra về nợ đọng xây dựng cơ bản" (ảnh Phú Khánh)


Sáng 10-7, HĐND TP đã tái chất vấn việc thực hiện kết luận của Chủ tọa về các nội dung: Kinh tế - Ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; quản lý đất đai; văn hóa - xã hội và dân sinh (an toàn thực phẩm) đã chất vấn tại kỳ họp thứ 8.

Đặc biệt, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) được nhiều đại biểu tái chất vấn về quá trình giải ngân trả nợ, giải pháp trong thời gian tới.

Theo báo cáo từ UBND TP, hiện toàn TP đang tồn đọng nợ XDCB khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó, nợ của UBND TP khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại là nợ của các quận, huyện.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Quý cho biết, hiện 3 huyện đang có nợ ngoài kế hoạch là Đan Phượng 38 DA với 69 tỷ đồng, Phúc Thọ 19 DA và Mỹ Đức 1 DA là 2,4 tỷ đồng. TP đang giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện việc nợ đọng XDCB, trong đó cả nợ ngoài kế hoạch, Thành phố sẽ có biện pháp xử lý sau khi có kết luận của Thanh tra.

Về bố trí nguồn giải quyết nợ XDCB, năm nay, trong dự toán thu chi đã bố trí giải quyết phần lớn số nợ này, đảm bảo giải quyết 59%, trong đó chú trọng bố trí vốn giải quyết nợ cho những công trình chuyển tiếp, hoàn thành. Đến ngày 30-6-2014, toàn TP đã giải ngân được 4.388 tỷ đồng, quận huyện, thị xã giải ngân đuợc 1.600 tỷ đồng, đạt 54%. Cũng theo ông Quý, năm nay, vốn đầu tư phát triển của toàn TP chỉ bằng 60% so với năm 2013, các quận huyện, thị xã giữ nguyên như năm 2013.

Nhiều huyện nợ đọng XDCB rất lớn


Theo kế hoạch, sẽ xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB trong 2 năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, theo tính toán, hết năm 2015, nhiều huyện sẽ vẫn còn khoản nợ lớn hơn nguồn vốn phân cấp, như huyện Ba Vì nợ 156 tỷ đồng trong khi vốn phân cấp 1 năm chỉ được 115 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên đang nợ 378 tỷ động, vốn phân cấp 1 năm được 115 tỷ đồng; huyện Ứng Hòa nợ 166 tỷ đồng, vốn phân cấp 1 năm được 104 tỷ đồng…

“Mặc dù đã được phân cấp, nợ cấp nào cấp ấy trả. Song, các huyện này đều khó khăn, cơ sở vật chất ở mức thấp của TP. Vì vậy đề xuất HĐND TP xin cơ chế đặc thù, tạo nguồn thu để các huyện này trả nợ. Tăng cường đấu giá đất, 100% số kinh phí thu được sẽ để lại cho huyện để trả nợ”, ông Quý bày tỏ.

Tuy nhiên, phần trả lời của GĐ Sở KH-ĐT chưa được một số ĐB hài lòng. ĐB Nguyễn Văn Nam cho rằng, thông tin mà Sở KH-ĐT đưa ra không mới, giải pháp cũng chỉ là tình thế. Đặc biệt, số liệu nợ đọng XDCB báo cáo cũng không thống nhất. Năm ngoái báo cáo về nợ đọng XDCB chỉ báo cáo nợ ở cấp TP còn các quận, huyện thị xã không nợ.

“Việc theo dõi, chấp hành quy định trong đầu tư của Thành phố đang “có vấn đề”, các giải pháp đề ra cũng mới chỉ mang tính tình thế”.

Tới đây, năm 2015, khi thực hiện phân cấp nguồn thu-chi theo ngân sách mới, đại biểu Nam đề nghị cần quan tâm nguồn thu cho các quận, huyện phải đảm bảo đáp ứng nguồn chi, đặc biệt ở các quận, huyện khó khăn.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cũng cho rằng, mặc UND TP đã báo cáo không để phát sinh nợ mới, song, các con số nợ đọng XDCB báo cáo lên HĐND TP không hiểu do phát sinh mới hay do tổng hợp không đầy đủ?

“Kỳ họp HĐND TP trước thì báo cáo nợ đọng XDCB toàn TP khoảng 3.000 tỷ đồng, sau đó lại được báo cáo là hơn 3.000 tỷ đồng. Đến kỳ họp này đã lên hơn 4.000 tỷ đồng. Đã là con số cuối cùng hay chưa, hay vẫn phải chờ Kết luận Thanh tra TP. Mà lúc nào thì có Kết luận này?”, bà Ngô Thị Doãn Thanh đặt vấn đề.

Về việc này, Giám đốc Sở KH-ĐTcho biết, năm sau, UBND Thành phố sẽ rà soát lại nhiệm vụ phân cấp, gắn với nhiệm vụ chi. Thanh tra Thành phố cũng đã tổng hợp xong và đang rà soát lại nợ XDCB, trong tháng 7 hoặc đầu tháng 8 sẽ có kết luận thanh tra.

KHCN loanh quanh với chữ "Đang"

GĐ Sở KHCN: "Tàu hút bùn  đắp chiếu vì đang xây dựng định mức" (ảnh Phú Khánh)


Mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Giám đốc Sở KHCN Lê Xuân Rao nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm tàu hút bùn "đắp chiếu" 4 năm thuộc đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của TP Hà Nội”; Hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào thực tiễn.

Tuy phần trả lời của GĐ Sở KHCN kéo dài khá lâu nhưng không đúng trọng tâm, lan man nói về hoạt động của ngành trong thời gian qua. Về vấn đề tàu hút bùn, ông Rao giãi bày, với hoạt động nghiên cứu KHCN có nhiều rủi ro. Mặc dù sản phẩm này đã thành công rồi, được đánh giá tốt, đã cấp giấy phép hoạt động và đã nghiên cứu bổ sung quy trình vận hành, đào tạo 2 tháng chạy thử trên sông. Tức là có đủ điều kiện để đưa vào nạo vét bùn.

Song, tàu chưa thể đi vào hoạt động vì chưa có định mức vận hành làm cơ sở thanh toán với TP. “Nếu như thiết bị này ở các công ty tư nhân là đưa vào hoạt động rồi chứ không phải vướng mắc, chờ đợi như bây giờ. Cái chính hiện nay là chưa có định mức để thanh toán. Việc chậm trễ này có trách nhiệm của các bên cùng phối hợp, trong đó có Sở KHCN”, ông Rao cho hay.  

Được đánh giá hiệu quả, nhưng 4 năm nay tàu hút bùn trị giá hàng tỷ đồng vẫn nằm đắp chiếu


Phần trả lời vòng vo của Giám đốc Sở KHCN không nhận được sự đồng tình của các ĐB, khi có đến 8 ĐB, với hơn 20 câu hỏi tái chất vấn.

ĐB Phạm Thị Thanh Mai nêu ý kiến, chúng ta chưa hài lòng một chút nào về kết quả nghiên cứu cũng như ứng dụng KHCN trên địa bàn Thủ đô. Ban Kinh tế ngân sách- HĐND TP đã 2 lần giám sát (2012 và 2013) chỉ ra nhiều hạn chế, nguyên nhân và có kiến nghị cụ thể. Nhưng trả lời của Sở KHCN đến nay vẫn loanh quanh với chữ “đang”: đang xác định định mức, đang xây dựng quy chế… Dù UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này.

“Tôi không hiểu tại sao, các nhà Khoa học cũng nói tàu hút bùn tốt, ưu việt, vậy vì sao không đưa vào sử dụng được? Đề nghị Giám đốc Sở KHCN báo cáo rõ, bao giờ tàu này đưa vào sử dụng, liệu có hiệu quả hay không, nếu không chúng ta dừng? Chấp nhận dừng một công trình để rút kinh nghiệm cho các sản phẩm KHCN tiếp theo”, ĐB Phạm Thị Thanh Mai đặt vấn đề.

Về trách nhiệm chậm chạp đưa tàu hút bùn vào triển khai, ĐB Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị Sở KHCN làm rõ: “Trách nhiệm nêu lên quá mờ nhạt, các ngành khác thì sao, tại sao không có sự phối hợp. Hai năm nay từ kết quả giám sát rồi các ngành vẫn “đang”. Đề nghị làm rõ trách nhiệm, không thể cứ “đang” mãi mà không làm rõ được”.

Tiếp tục được yêu cầu lên giải trình, làm rõ vấn đề, Giám đốc Sở KHCN Lê Xuân Rao bày tỏ, đối với tàu hút bùn “đắp chiếu” 4 năm, cách đây hơn 1 tháng, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã yêu cầu các Sở ngành như KHCN, KH-ĐT đưa đưa vào khai thác sử dụng ngay. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đưa vào bảo dưỡng. “Từ đó đến nay vẫn đang chạy thử để xây dựng định mức. Tuy nhiên, quá trình bảo dưỡng, chạy thử cho thấy, không cần phải đại tu như các đại biểu lo lắng và chỉ cần tiểu tu một phần. Khoảng hết tháng 7, sang tháng 8 có thể đưa tàu hút bùn vào sử dụng”.

Về hiệu quả ứng dụng KHCN vào thực tiễn, ông Rao giải trình, khó có thể giám sát hết vì, lực lượng tham gia ở Sở KHCN chỉ có khoảng 20 người, lại trải qua nhiều năm như vậy khó lòng kiểm tra hết.

Chủ tịch HĐND TP cũng cho rằng, KHCN của Thủ đô chưa làm hết vai trò của mình, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Trong trách nhiệm để tàu hút bùn đắp chiếu 4 năm, bà Thanh đề nghị GĐ Sở KHCN làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân.