Cấp phép tiền chất ma túy: Dấu hỏi lớn từ Cục quản lý dược

ANTĐ - Khi cơ quan chức năng như công an, thanh tra... đã vào cuộc, phát hiện số lượng “giật mình” tiền chất ma túy được Cục quản lý Dược cho phép Công ty CP BV Pharma nhập khẩu.

Những ngày qua, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế liên tục khẳng định việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu tiền chất ma túy Pseudoephedrine (PSE) để sản xuất thuốc trị cảm, cúm... là chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật. Nhưng số lượng nguyên liệu PSE được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu tăng đột biến, ẩn chứa nhiều hiểm họa nếu bị bọn tội phạm lợi dụng. Vì vậy các cơ quan chức năng như công an, thanh tra... đã vào cuộc, phát hiện số lượng “giật mình” tiền chất ma túy được Cục quản lý Dược cho phép Công ty CP BV Pharma nhập khẩu.

Số lượng khổng lồ

Qua số liệu của Công ty CP BV Pharma đã báo cáo, Cục Quản lý Dược đã cấp cho công ty tổng số sáu số đăng ký cho sáu sản phẩm có chứa tiền chất ma túy PSE là: Biviflu- night VD-10893-10; Biviflu- day VD-15066-11; Bivofed VD- 14624-11 (gia công tại Công ty Mebiphar với SĐK: GC-0141-11); Tripofed VD14619-11 (gia công tại Công ty CP DP TW1 với SĐK: GC-0131-11); Activenose VD – 13702-11; NTN’S-10 VD-13711-11. Trong sáu sản phẩm nói trên, Công ty BV Pharma sản xuất tại nhà máy địa chỉ Ấp 2, xã Tân Thạnh Tây, Củ chi, TP Hồ Chí Minh 2 sản phẩm là: Biviflu- night và Activenose. Công ty BV Pharma ký hợp đồng gia công 2 sản phẩm còn lại là: Bivofed với Công ty TNHH MTV Dược phẩm và sinh học Y tế (Mebiphar) tại thành phố Hồ Chí Minh và Tripofed tại Công ty Cổ phần dược phẩm TW1 (Pharbaco) tại Hà Nội.

Căn cứ báo cáo của công ty BV Pharma, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, Cục Quản lý Dược (QLD) đã duyệt cho Công ty CP BV Pharma một số lượng nguyên liệu tiền chất ma túy Pseudoephedrine (PSE) là 7.356,045 kg Pseudoephedrine HCl, để sản xuất 3 sản phẩm Activenose, Bivofed, Tripofed là 117.311.750 viên. Cụ thể là Công ty CP BV Pharma 6 tháng đầu năm 2011 nhập 4805,745kg PSE sản xuất 78.471.000 viên Activenose; gia công tại công ty Mebiphar 8.110.400 viên Bivofed tương ứng với 500,3 kg PSE; gia công tại công ty Pharbaco 30.730.350 viên Tripofed tương ứng với 2050 kg PSE.

Về phía Công ty Pharbaco cho biết: Năm 2010, Công ty chỉ được nhập khẩu 100kg PSE, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2011 công ty này  được duyệt nhập khẩu, mua nguyên liệu PSE tăng đột biến lên tới 2050 kg, và thành phẩm sau khi gia công đều được giao lại hết cho Công ty BV Pharma, có thể thấy công ty BV Pharma là đơn vị được hưởng lợi nhuận từ thành phẩm sản xuất từ 2050 kg PSE này.

Nghi vấn cần được giải

Lượng nguyên liệu PSE do công ty CP BV Pharma sử dụng trong năm 2010 là 1000kg. Năm 2011, chỉ trong vòng 6 tháng nhu cầu này đã tăng lên 7.356,045 kg, tăng hơn 700% và chiếm khoảng 43% trên tổng số lượng PSE mà Cục QLD đã duyệt cho tất cả công ty trong 6 tháng đầu năm 2011. Cục QLD có tuân thủ quy định tại Thông tư 11/2010/TT-BYT ngày 29/04/2010 của Bộ Y tế quy định: “Nếu nhu cầu nguyên liệu tiền chất do doanh nghiệp dự trù tăng 50% so với cùng kỳ năm trước thì Công ty phải  giải trình nhu cầu và Cục Quản lý dược phải thẩm tra và cân nhắc trước khi duyệt” hay không? Tại sao với một số lượng khổng lồ nguyên liệu tiền chất ma túy lớn lên đến 7.356,045 kg PSE của một doanh nghiệp trong 6 tháng mà Cục Quản lý Dược lại duyệt một cách dễ dàng và khó hiểu như thế?!

Theo tính toán của Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) thì 1kg (1000grams) nguyên liệu tiền chất PSE có thể tổng hợp được 600 grams chất ma túy tổng hợp (Metamphetamine), mỗi kg Metamphetamine giá khoảng 353.846USD. Nếu như  7.356,045 kg chất PSE không may rơi vào tay bọn tội phạm dùng để chiết xuất ma túy tổng hợp thì sẽ nguy hiểm biết nhường nào. Đồng thời chỉ  cần bỏ ra 2 triệu đồng tiền thuốc cảm cúm là có thể sản xuất được lượng ma túy tổng hợp giá trị khoảng 25 triệu đồng.

Nhiều chuyên gia y tế và doanh nghiệp ngành dược cho rằng từ tháng 2 đến tháng 6/2011, bệnh cảm ở Việt Nam không thể nào “tăng đột biến’’ lên 700% để một số lượng 117.311.750 viên thuốc cảm của Công ty cổ phần BV Pharma bán vèo đi trong vòng chỉ trong vòng 2 tháng là hết, chưa kể lượng thuốc của các công ty khác và thuốc nhập khẩu. Do vậy, nhiều nghi vấn số lượng thuốc này có nguy cơ bị bọn tội phạm mua gom để sản xuất ma túy. Nếu như đây là sự thật thì Cục trưởng Cục QLD phải chịu trách nhiệm quản lý về đường đi của lượng thuốc cảm có chứa tiền chất ma túy PSE nói trên.

Thuốc cảm cúm có thể được dùng để "điều chế" ma tuý tổng hợp. Ảnh minh hoạ

Theo các khảo sát của một số doanh nghiệp trên thị trường cả phía Bắc và phía Nam thì không thấy các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thuốc Activenose có chứa PSE đóng gói chai 500 viên và 1000 cuả Công ty CP BV Pharma lưu hành. Đây là một dấu hỏi lớn mà Công ty BV Pharma và Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ông Trương Quốc Cường phải trả lời trước các cơ quan chức năng.

Qua kiểm tra, ban đầu các cơ quan chức năng đã phát hiện hành vi làm khống hồ sơ của một số doanh nghiệp cho công ty CP BV Pharma để bán các sản phẩm thuốc có chứa PSE ra thị trường.

Vậy mà, trong các lần tổ chức kiểm tra việc sản xuất, phân phối và tồn trữ thuốc có chứa tiền chất ma túy PSE, Cục QLD đều kết luận: Công ty CP BV Pharma đều thực hiện đúng các quy định về lập dự trù, sản xuất, mua bán, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển theo quy định tại Thông tư số 11/2011/TT-BYT ngày 29/4/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn các hoạt động liên quan đến thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc. Nhiều doanh nghiệp trong ngành dược đặt dấu hỏi phải chăng cán bộ của Cục kém năng lực không thể phát hiện ra những vi phạm của Công ty BV Pharma hay là cán bộ của Cục QLD cố tình làm ngơ?

Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ những nghi vấn nêu trên. Được biết, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) – Bộ Công An cũng đã có Công văn số 1281, gửi Cục QLD đề nghị bổ sung, sửa đổi Thông tư số 11/2010/TT-BYT ngày 29-4-2010 của Bộ Y tế hướng dẫn các hoạt động liên quan đến thuốc hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn việc mua bán, xuất nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất các loại thuốc có chứa tiền chất PSE và Ephedrin mà tội phạm có thể lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp.