Kỷ niệm 69 năm cách mạng tháng tám và quốc khánh 2-9 (1945-2014)

Cảm xúc ngày Tết Độc lập

ANTĐ - Những ngày này 69 năm về trước, cuộc cách mạng mùa thu đã thành công toàn diện. Và ngày 2-9-1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã trở thành ngày lễ trọng đại nhất của đất nước - ngày Tết Độc lập. Đã 69 năm qua đi, nhưng cứ mỗi mùa thu Tháng Tám, cứ mỗi khi đến Tết Độc lập, những người con đất Việt vẫn không khỏi bồi hồi nhắc nhớ cho nhau về nguồn cội, về giá trị của hòa bình về lịch sử hào hùng của dân tộc. Họ, có thể là những người suốt 69 năm qua lưu giữ nguyên vẹn những kỷ niệm về ngày Tết độc lập đầu tiên, họ cũng có thể là những người trẻ sinh ra trong hòa bình chưa từng biết đến chiến tranh nhưng tất cả đều chung một niềm tự hào, xúc động mỗi khi mùa thu cách mạng lại về.

Ảnh Tư liệu

Ngày lễ Độc lập đã thay đổi cuộc đời tôi

Bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa) năm nay đã bước sang tuổi 88, và đến hôm nay cũng đúng 69 năm bà đón Tết Độc lập, nhưng giây phút thiêng liêng, trọng đại cách đây đúng 69 năm ấy, khi cô nữ sinh Đồng Khánh 19 tuổi được đứng trước hàng triệu đồng bào cả nước kéo lá cờ Tổ quốc trong ngày Quốc khánh đầu tiên vẫn ngập đầy cảm xúc. 

Hồi ấy, thiếu nữ Lê Thi mới 19 tuổi, đang là nữ sinh trường Trưng Vương (trường Đồng Khánh). Dù học trường của Pháp, nhưng bà đã sớm có ý thức ủng hộ Việt Minh, học và truyền bá chữ quốc ngữ, truyền tay nhau đọc báo Cứu quốc, đọc các tờ truyền đơn ủng hộ Việt Minh…

Ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập (ngày 2-9-1945), mới sáng sớm, từ mọi nẻo đường, hàng vạn người đổ về Quảng trường Ba Đình. Lúc này, bà Thi là cán bộ phụ nữ phụ trách khu Hoàn Kiếm, làm nhiệm vụ huy động chị em, hàng xóm đóng cửa hàng, nhà cửa lên Quảng trường Ba Đình mít tinh và dẫn đoàn đi. “Tôi mặc quần trắng, áo trắng, tay cầm gậy, vừa đi vừa hô một hai, một hai. Từng đoàn người kéo về Quảng trường Ba Đình, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Ủng hộ Việt Minh!” và hát vang các bài Diệt phát xít, Du kích ca… Đến sân quảng trường thì đã thấy đủ các khối công, nông, binh, tôn giáo… ai cũng háo ứng chờ giây phút Bác Hồ xuất hiện”.

Bà Thi bồi hồi nhớ lại khi bước lên lễ đài: Vì không được chuẩn bị trước nên khi được giao nhiệm vụ kéo cờ, tôi chỉ thấy run thôi, trước bao nhiêu người thế này, nhỡ xảy ra sự cố thì không biết làm thế nào, sau này nghĩ lại mới thấy đó là một nhiệm vụ cực kỳ vinh dự. Lúc bước lên lễ đài, tôi thấy một chị nữa mặc áo chàm, quần bó cạp của người Tày, hai chị em cũng không kịp hỏi tên mà dắt nhau đến chân cột cờ, hồi ấy cột cờ còn ở trên lễ đài, chứ không phải dưới quảng trường như bây giờ. Tôi bảo em cao hơn em sẽ kéo cờ, còn chị thấp hơn thì chị nâng lá cờ. Sau này gần hai chục năm, lúc có dịp đoàn tụ ở Quảng trường Ba Đình, tôi mới biết chị là Đàm Loan, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái). Khi bài Tiến quân ca vang lên, tôi kéo cờ còn chị Loan nâng lá cờ tung lên, tôi cố gắng tập trung kéo. Khi bài Quốc ca kết thúc cũng là lúc lá cờ tung bay trên đỉnh cột, lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm, cảm giác lo sợ lui dần, thay vào đó là sự xúc động, vinh dự.

Bà Thi bảo, với cá nhân bà, Cách mạng Tháng Tám và ngày lễ Độc lập có ý nghĩa quyết định đối với tương lai, sự nghiệp của bà sau này. “Ngày đó tôi cũng ý thức được sự trọng đại của ngày lễ, nhưng vẫn nghĩ mình tham gia ngày lễ này, rồi lại về đi học sư phạm làm cô giáo như cha. Nhưng giờ phút được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, tôi đã thay đổi suy nghĩ”.

Nhớ lại lúc Bác Hồ xuất hiện, Bác giản dị trong bộ quần áo kaki, đi dép cao su… “Ở trong trường thì tôi luôn nghĩ các vị lãnh đạo là phải mặc comple, thắt caravat, đi giầy đen bóng loáng… nhưng Bác thì giản dị quá. Đang phát biểu, Bác dừng lại hỏi: Tôi nói đồng bào nghe rõ không. Lúc đó tôi sững sờ. Bác gần gũi, quan tâm đến người dân quá. Đặc biệt khi Bác đọc lời thề: “Toàn thể nhân dân Việt Nam thà chết không chịu làm nô lệ”, tất cả mọi người đồng thanh hô: “Xin thề”, tôi đã vô cùng xúc động”. Đó chính là bước ngoặt mà sau này bà Thi quyết tâm tham gia cách mạng, chiến đấu ở Lữ đoàn Thủ đô. Từ một cô nữ sinh sống trong gia đình trí thức, được bao bọc, học hành chưa từng phải chịu khổ cực bao giờ, cô gái Lê Thi đã chấp nhận cuộc sống kham khổ để được theo cách mạng. 

Nhà văn Lê Lựu và kỷ niệm  trong ngày Quốc khánh đầu tiên

Hồi đấy tôi mới 5 tuổi, chưa biết gì về cách mạng, về Việt Minh hết, chỉ thấy căm ghét bọn lính Ngụy vì lúc nào bọn chúng cũng dọa dẫm, đe nẹt và cướp bóc của người dân, bao nhiêu người bị chết đói. Lúc khởi nghĩa, thấy người ta gọi là đồng chí thì thấy hay hay nên cũng gọi là đồng chí. Các đồng chí cán bộ du kích, bộ đội hô hào mọi người phá kho thóc Nhật, trai gái cả huyện hò reo đi phá, tôi cũng chạy theo reo hò, lúc đấy thấy ngưỡng mộ những người được gọi là đồng chí lắm. 

Ngày Quốc khánh 2-9-1945, tôi theo chân mọi người đi mít tinh ở đình làng. Hồi đó vào đúng mùa nước lũ, nước tràn đê nhưng tôi vẫn lội nước ra đình làng cùng mọi người. Ông Chủ tịch xã phát biểu thì nhiều lắm, nhưng tôi chỉ nhớ ông nói rằng từ đây người dân sẽ không bị đói, không sợ sệt gì nữa, thế là sướng lắm. Lúc về, ai nấy mải mê, hồ hởi, không ai để ý đến bọn trẻ con chúng tôi nữa. Đường thì chỗ cao, chỗ thấp, nước tràn bờ, lội đến cổ, tôi chẳng may sa xuống cái hố, mấy đứa trẻ đi cùng hốt hoảng kêu cứu thất thanh. May thay những người lớn đi trước kịp thời xúm lại lôi tôi lên. Đó là kỷ niệm nhớ đời của tôi ngày Tết độc lập đầu tiên. Sau này khi lên 10 tuổi thì tôi mới hiểu thêm về cách mạng, được vào đội thiếu nhi, là Liên đội trưởng thiếu nhi thôn, hoạt động tích cực và được bầu là Thiếu nhi Tháng 8, được quàng khăn đỏ.


Ca sĩ Hồng Nhung: Bất cứ điều gì đe dọa đến hòa bình cũng làm tôi căm ghét

Tôi được sinh ra trong hòa bình. Đó là một điều may mắn. Tôi còn được học và thể hiện những khả năng của mình, được sống, được theo đuổi đam mê, đó là một điều hạnh phúc. Với tôi hòa bình là hơi thở, bất cứ điều gì đe dọa hòa bình cũng khiến tôi lo lắng và căm ghét. Những ngày này, tôi sẽ kể cho các con về những truyền thống hào hùng của dân tộc ta, cả về những giai đoạn lịch sử, thăng trầm của đất nước nữa. 

Đạo diễn Hoàng Công Cường: Với tôi, ngày 2-9 là ngày ý nghĩa nhất trong năm

Nếu đặt mình vào thời khắc cách đây 69 năm, bất kỳ người dân trên đất nước Việt Nam đều tự hào và hạnh phúc được chứng kiến bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả nước thời kỳ đó đã chuyển mình, bước sang giai đoạn mới, thời kỳ mới, đi vào công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước.

Với tôi, ngày 2-9 luôn là một ngày ý nghĩa nhất trong năm. Bởi nếu không có ngày Quốc khánh, không có Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch… thì những thế hệ ngày sau như chúng tôi liệu có được sống trong hòa bình, được sống trong niềm yên vui. Chúng tôi sẽ không được học, không được theo đuổi những đam mê của mình. Những ngày này tôi lại nhớ đến công lao của những người đi trước đã ngã xuống bảo vệ mảnh đất của dân tộc, và giúp chúng tôi có một cuộc sống yên bình sau này. 

Ca sĩ, nhạc sĩ Đinh Mạnh Ninh: Tôi tự hào vì mang dòng máu Việt

Là một người trẻ được sống trong hòa bình, tôi luôn nhớ đến công lao của thế hệ cha anh đi trước đã vất vả, hy sinh xương máu để thế hệ sau được sống yên vui, no ấm. Và mỗi năm khi đến ngày Quốc khánh 2-9, tôi thường dành thời gian riêng cho mình để tìm hiểu về lịch sử đất nước, dân tộc. Từ đó tôi sẽ có thêm những cảm xúc để sáng tác những ca khúc về tình yêu quê hương đất nước. Tôi và các bạn bè của mình cũng đã thực hiện ca khúc “Bay qua Biển Đông” với chất nhạc rock hùng tráng, với tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo trong mỗi người dân Việt Nam. Chắc chắn trong thời gian tới, tôi cũng sẽ cho ra mắt những nhạc phẩm về tình yêu với Tổ quốc. Các tác phẩm này chất chứa trong tôi nhiều tình yêu, tự hào khi được sống trên mảnh đất này và mang dòng máu người Việt.