Các Bộ trưởng còn nợ dân

ANTĐ - Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn được cử tri và nhân dân cả nước dành sự quan tâm đặc biệt với những kỳ vọng mới vì đây là một hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Nhưng, nói như một vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các “tư lệnh ngành” vẫn nợ dân nhiều điều có thể gói gọn ở hai từ “trách nhiệm”.

Nói vậy, vì cử tri đang rất cần những vị Bộ trưởng dám nhận trách nhiệm trước dân và quan trọng hơn là dám hành động để giữ lời hứa, bởi cử tri và các ĐBQH đã quá quen với cụm từ “xin nhận trách nhiệm” để rồi để đấy.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, thì đến trước Kỳ họp thứ 6, các cơ quan đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 2.007/2.007 kiến nghị. Nhưng nhiều việc chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Có thể nêu ra như việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xây dựng các công trình thủy điện; đầu tư xây dựng các công trình giao thông, trường học, bệnh viện; việc thu phí bảo trì đường bộ và thu phí BOT các công trình đường bộ, đặc biệt là việc giải quyết kiến nghị về an toàn các hồ thủy lợi, đập thủy điện.

Trong khi Quốc hội đang họp, mưa lớn tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cùng lúc nhiều hồ thủy điện trên địa bàn đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn đã khiến hơn 40 người chết, hàng nghìn nhà dân ngập chìm trong biển nước. Đó là những thiệt hại có thể đong đếm được, còn những nỗi đau, mất mát không thể định tính bằng những con số. Trong nỗi khó khăn chất chồng của người dân miền Trung, dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của những “nhân tai” là các thủy điện gây ra đối với đồng bào miền Trung. Mà nói tới thủy điện là trách nhiệm thuộc ngành công thương, nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng trách nhiệm đối với hiện trạng thủy điện hiện nay là của… “chúng ta”. “Chúng ta” là ai, có phải là người dân nghèo miền Trung đang khóc ròng trong lũ của trời và của thủy điện? Và dù đã rất ý thức trong việc chủ động phòng chống, nhưng tất cả sự phòng bị ấy đã trở nên vô nghĩa khi vừa thoát cơn bão lụt, miền Trung lại phải trải qua nỗi đau mất người thân, bất lực nhìn nhà cửa, tài sản chìm trong nước lũ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lần này vắng mặt tại nghị trường do đang công tác nước ngoài. Nhưng sự có mặt của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng liệu cũng có ý nghĩa gì khi câu chuyện thủy điện xả lũ, một thứ nhân tai, năm nào cũng được nói trước Quốc hội và năm nào cũng lặp lại. 

Có điều, cũng ở Nghị trường năm nay các ĐBQH đã quyết liệt hơn xung quanh nghi vấn thủy điện xả lũ chính là nguyên nhân gây lũ lụt hạ lưu, yêu cầu các Bộ liên quan lý giải về việc này và giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Công an và các cơ quan tư pháp, cùng với các cơ quan hữu quan đi kiểm tra xác định trách nhiệm hành vi, hậu quả theo trình tự tố tụng, chứ không phải nói để đấy. Theo ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM), việc xả lũ gây thiệt hại như vừa qua là hành vi làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, hoặc là hành vi thiếu trách nhiệm coi thường tính mạng, tài sản của người dân. Ông yêu cầu: “ Phải điều tra kỹ, nếu đúng như thế thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Phải xử lý nghiêm, bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu cần thiết thì đóng hẳn đập thủy điện lại, không cho chạy thủy điện nữa, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Trước hết là phải giải quyết nỗi cơ cực của người dân, chấm dứt lợi ích nhỏ để bảo đảm lợi ích toàn cục. Phải như thế mới được chứ nói mà không làm thì người dân mất niềm tin”.

Chưa có kết luận chính thức “nhân tai” thủy điện đã khiến lũ lụt hiện nay ở miền Trung thêm nặng nề song nhìn sâu xa có thể thấy rằng thủy điện không thể vô can. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, theo yêu cầu của Thủ tướng, các Bộ, ngành liên quan sẽ phải báo cáo về tình hình chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên. “Qua kiểm tra, thủy điện nào xả sai thì phải chịu trách nhiệm”.