Bảo tồn tôn tạo di tích: Mập mờ khái niệm

ANTĐ - Luật Di sản văn hóa (2001) đã quy định nguyên tắc bảo tồn là phải giữ nguyên trạng, chỉ những trường hợp xuống cấp nghiêm trọng, bị phá hủy mới thay thế sửa chữa trên cơ sở giữ lại yếu tố gốc. Thế nhưng, cho đến giờ, những cuộc tranh cãi nguyên trạng hay nguyên gốc vẫn cứ kéo dài… Chỉ có di tích là thiệt đủ mọi đường.

Đoạn tường thành cổ Sơn Tây bị xây mới

Lúng túng trong tu bổ

Cách đây gần 3 năm, Di tích quốc gia thành nhà Mạc, nơi chứa bao giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, không hiểu tu sửa thế nào, ngày cắt băng khánh thành, được cận cảnh di sản, dư luận rất bất bình, khi di sản mấy trăm năm sao cứ hao hao giống cái… lò gạch. Hai cổng thành cùng nhiều đoạn tường rêu phong cổ kính bỗng được làm mới, biến dạng. Toàn bộ cổng thành xưa bị “tống giam” vào bên trong những cọc inox và xích sắt. Thay vì tìm cách bảo vệ, Dự án tu bổ hóa ra là phá bỏ cái cũ, làm cái mới. Sự thật là, trong lịch sử, thành nhà Mạc đã qua nhiều lần được tu sửa. Nhưng cái mà người dân Tuyên Quang và những người yêu di sản cần chính là những dấu tích thời gian mà tòa thành mang trên mình chứ không phải là dáng vẻ không thể xác định rõ ràng (phục dựng theo những tài liệu ghi chép). Theo thuật ngữ trong bảo tồn di tích, phục hồi nguyên trạng và phục hồi đúng kiến trúc là khác nhau. Thông thường, qua mỗi lần trùng tu, không thể phục hồi di tích theo nguyên bản ban đầu. Đành rằng tòa thành đang xuống cấp nghiêm trọng và có thể đổ sụp bất cứ lúc nào, nhưng biến nó thành một công trình kiến trúc mới tinh thì không thể chấp nhận được. 

Nạn nhân của nhập nhèm khái niệm nguyên trạng hay nguyên gốc tiếp theo là thành cổ Sơn Tây. Khi đó, có người đã đau đớn mà rằng: “Thành cổ Sơn Tây lại thất thủ!”. Năm 1995 “cuộc tấn công” đã nhằm vào cổng phía Bắc thành. Toàn bộ cây cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm, bao phủ cổng thành bị chặt bỏ. Mười năm sau, các nhà tu bổ  lại quyết định diệt trừ hết hệ thống “cây dại” (thật ra là cây cổ thụ) trên hai cổng thành cổ còn lại, đưa cổng thành rêu phong, cổ kính in dấu thời gian gần 200 năm trở về thời tinh tươm. Với sự nỗ lực của báo giới và những người tâm huyết với di sản, hai chiếc cổng thành được giữ lại nhưng một vài đoạn tường thành đã bị đào lên xây mới. Lúc bấy giờ, một tòa thành đá ong mới 100% cao 5,2m trải dài tít tắp đúng như nguyên gốc (theo tài liệu) xuất hiện “uy nghi, lẫm liệt”. Nhân trường hợp của Thành cổ Sơn Tây, bắt đầu dấy lên những tranh cãi về việc tôn tạo trùng tu trên nguyên tắc tôn trọng hiện trạng di tích,  hay là phục dựng.

Thành nhà Mạc mới bị “tống giam” vào bên trong những cọc inox 

Đừng “làm tiền” trên mình di sản

Phục dựng hay tôn trọng di tích cổ, có lẽ phải dựa trên thực trạng của di tích. Như GS.TSKH Hoàng Đạo Kính cũng từng chia các di tích hiện tồn tại ở nước ta thành 2 nhóm, đó là “di tích chết” và “di tích sống”. Có ý kiến cho rằng đối với “di tích chết”, là những di tích chỉ còn là chứng tích lịch sử, phế tích cần phải bảo tồn giữ nguyên trạng, hạn chế tối đa việc xây dựng thêm công trình phụ trợ, bởi cái chúng ta cần lưu giữ chính là những dấu ấn lịch sử qua bao năm tháng mà di tích đó là chứng nhân. Không thể đem một tòa thành hơn 400 năm tuổi “biến” thành một cái “lò gạch” như vụ tu sửa thành nhà Mạc tại Tuyên Quang. Hay vụ phá sập đình Ngu Nhuế đem chuyển sang vị trí mới hiện vẫn chưa được giải quyết. Phát biểu tại cuộc tọa đàm về hoạt động tôn tạo, xây mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích do Viện Bảo tồn di tích tổ chức vừa qua, GS.TSKH Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh, chúng ta cần có một cuộc đại rà soát tất cả các di tích để phân cấp ứng xử cho đúng với những di tích đặc biệt quan trọng. Quả đúng là như vậy, không thể để một di tích nghìn năm tuổi 4 năm kêu cứu mà không được hỗ trợ dù chỉ là một lời tư vấn. 

Đúng là hiện nay, có những kẻ đang “làm tiền” bằng việc trùng tu, tôn tạo “quá tay” di tích như lời PGS.TS Trương Quốc Bình đã thẳng thắn nêu ra tại cuộc hội thảo. Ông cho rằng chính những kẻ muốn “làm tiền” bằng di sản của ông cha đang là tác nhân hủy hoại di tích bằng sự mập mờ giữa việc tôn tạo nguyên trạng di tích thành phục dựng nguyên gốc di tích. Thay vì hiểu rằng phục dựng là dựng lại những di tích đã biến mất thì một số người sẵn sàng xóa sổ một di tích để có thể phục dựng lại mà điển hình chính là vụ tôn tạo, phục dựng lại thành Sơn Tây. Có lẽ chúng ta cần phải có những quy định rạch ròi hơn trong công tác trùng tu tôn tạo, để không còn những chuyện dở khóc dở cười trong trùng tu di tích như ở nước ta hiện nay.