Ai chịu trách nhiệm, khi hàng chục người chết vì lũ?

ANTĐ - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) kiến nghị phải điều tra xử lý, thậm chí là xem xét trách nhiệm hình sự cá nhân, tổ chức khi để xảy ra tình trạng hàng chục người dân chết vì lũ lụt, thiệt hại về tài sản rất lớn.

Sáng 19-11, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường xung quanh báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến các dự án thủy điện.

Việt Nam đã phòng chống siêu bão Haiyan rất tốt, hạn chế được thiệt hại về người, tài
sản, nhưng ngay sau đó lại để lũ lụt cướp đi tính mạng của hàng chục người dân

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng thời gian vừa qua số lượng, quy mô cường độ lũ lụt tăng, một phần nguyên nhân do các dự án thủy điện. Người dân đã nhường đất hy sinh cho thủy điện, nhưng tại các dự án tái định cư tỷ lệ hộ nghèo cao, có nơi chiếm 50%, còn trung bình chiếm gấp 3 lần tỷ lệ bình quân cả nước. “Tại diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng có nói là dự án thủy điện phải trích 1 phần lợi nhuận để hỗ trợ đồng bào tái định cư, nhưng đến thời điểm này, việc này chưa được thực hiện. Tôi đã chất vấn về vấn đề này tại nghị trường và 2 lần gửi câu hỏi đến Bộ Công thương, nhưng đều được trả lời là trách nhiệm của Bộ NN&PTNN. Vì vây, tôi kiến nghị xem xét xem rõ trách nhiệm của bộ nào?”- ông Học nói.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề cập đến vấn đề thời sự đang diễn ra: Đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong nước, lũ chồng lũ, dư luận cho rằng nguyên nhân do thủy điện mà ra, vậy xin hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này thế nào, không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của người dân vùng hạ lưu.

Cần tìm ra giải pháp căn cơ để đảm bảo tính mạng, tài sản người dân vùng lũ là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh). Ông cho rằng Chính phủ và các bộ ngành đã rất tích cực khi tình trạng bão lũ xảy ra, vừa qua có ít nhất 2 Phó thủ tướng trực tiếp đi chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ, các cơ quan đoàn thể, cá nhân cũng thể hiện tinh thần sẻ chia “áo lành đùm áo rách”. Tuy nhiên những vùng này năm nào cũng xảy ra bão lũ, làm đời sống nhân dân ngày càng nghèo, nếu không có giải pháp căn cơ thì các Phó thủ tướng vào chỉ đạo, xong quay ra, nhân dân lại bị.

“Cử tri kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành cần quy hoạch lại vùng nông thôn, miền núi bị bão lũ gắn với nông thôn mới, quy hoạch lại thủy lợi thủy điện, xây dựng nhà tránh lũ bằng nhiều nguồn vốn... không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền, người dân không biết”- Ông Phúc phát biểu - “Tôi tán thành là phải điều tra xử lý, thậm chí là xem xét trách nhiệm hình sự vài vụ cho nghiêm. Không thể để tình trạng hàng chục người chết, thiệt hại tài sản lớn mà không ai chịu trách nhiệm”

Sau một loạt các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát có ý kiến trả lời ban đầu, theo đó thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương tiến hành khảo sát đánh giá về tình hình thực hiện di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện và có báo cáo gửi đến các Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở khảo sát đánh giá, Bộ NN&PTNT đang lập đề án, chính sách và giải pháp ổn định cuộc sống người dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện và dự kiến tháng 12/2013 sẽ nghiệm thu, trên cơ sở đề án này sẽ trình với Chính phủ đề án kèm theo chính sách để khắc phục khó khăn, tồn tại.

“Cũng trên cơ sở khảo sát này, chúng tôi cũng đang chỉ đạo soạn thảo dự thảo, để khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách sửa đổi đối với công tác di dân tái định cư công trình thủy lợi, thủy điện nói chung. Trong thời gian vừa qua chúng tôi tập trung vào cùng với các địa phương có liên quan hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về di dân tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và sửa đổi những cơ chế chính sách có liên quan để thực hiện các công trình thủy lợi đó”- Bộ trưởng Cao Đức Phát chốt lại.