1.200 tỷ đồng xây tuyến ống sông Đà mới

ANTĐ - Tổng Công ty CP Vinaconex cam kết sắp xếp đủ vốn, khoảng 1.200 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng tuyến ống nước sạch sông Đà số 2, từ Hòa Lạc vành đai III (Hà Nội). Nếu dự án triển khai đúng tiến độ, mùa hè năm 2015, hàng chục nghìn hộ dân phía Tây Nam Thủ đô sẽ không phải thấp thỏm lo bị cắt nước.

Chất liệu ống nước bằng thép sẽ khắc phục được sự cố rò rỉ hay bục, vỡ ống

Sẽ dùng ống thép

Ngày 22-7, Tổng Công ty CP Vinaconex đã báo cáo UBND TP tiến độ triển khai đầu tư tuyến ống nước sông Đà từ quốc lộ 21 về vành đai III (phân kỳ 1), thuộc dự án hệ thống nước sông Đà giai đoạn II, nâng công suất lên 600.000m3/ngày đêm. 

Theo đó, ở phân kỳ 1, tuyến ống dài 29,2km, có đường kính 1,6-1,8m, với 5 điểm nối thông tuyến ống số 1, truyền tải 70.000-80.000m3 nước/ngày đêm mà giai đoạn I còn dư, đồng thời hỗ trợ bảo đảm an ninh nguồn cho hệ thống. Hiện nay, tư vấn đã hoàn thành việc lập dự án, đã trình Bộ Xây dựng xin ý kiến thiết kế cơ sở. Dự kiến, trước ngày 25-7, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến chính thức.

Theo Tổng Giám đốc Vinaconex Vũ Quý Hà, sau khi Chủ tịch UBND TP có ý kiến cho phép tiếp tục đầu tư tuyến ống nước sông Đà số 2, đơn vị này đã khẩn trương thực hiện các phần việc liên quan.

Cụ thể, về thực hiện các thủ tục đầu tư, Vinaconex đã trình văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai trước hơn 29km tuyến ống phân kỳ 1 (khi dự án chưa phê duyệt) và được chỉ định tổng thầu EPC cho Tổng Công ty CP Vinaconex... Với vật liệu ống, Vinaconex đã xem xét, phân tích 5 loại (nhựa; gang xám; gang dẻo; thép; bê tông nòng thép dự ứng lực) và đề xuất chọn ống thép hàn xoắn bảo vệ bằng sơn Epoxy. Theo Vinaconex, phương án trên có ưu điểm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; vật liệu sản xuất trong nước; thời gian nhận được lô hàng đầu tiên ngắn; các nhà thầu trong nước đã làm chủ công nghệ thi công; giải pháp khắc phục sự cố, rò rỉ đơn giản; giá thành hợp lý.

Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, sẽ thành lập Ban điều hành dự án để trực tiếp quản lý và điều hành thi công. Doanh nghiệp cũng đưa ra cam kết tập trung mọi nguồn lực khởi công dự án, thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn, hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật.

Sẽ có 1.200 tỷ đồng

Liên quan đến yếu tố quan trọng - nguồn vốn thực hiện dự án, ông Vũ Quý Hà thông tin, vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 20% (khoảng 240 tỷ đồng), vốn vay 80% (khoảng 960 tỷ đồng). “Ngày 14-7, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Cầu Giấy đã có văn bản cam kết cho vay Dự án Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 2” - ông Vũ Quý Hà nói. Tại buổi làm việc, đại diện BIDV cho hay đơn vị này đã tiếp nhận đề xuất vay vốn của Vinaconex và BIDV cam kết cho vay 80% vốn để thực hiện dự án. Chủ đầu tư cam kết, sử dụng vốn vay thương mại và vốn tự có triển khai ngay phân kỳ 1, trong đó tập trung hoàn thành trước đoạn xung yếu nhất (xảy ra liên tiếp 9 lần vỡ) trước 30-3-2015. 

Sau khi nghe các sở, ngành có ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Vinaconex khởi công ngay đầu tháng 8-2014, tổ chức thi công 3 ca liên tục để đẩy tốc độ lên tối đa. Ghi nhận nỗ lực của Vinaconex đã khẩn trương, tích cực trong thời gian ngắn đã thực hiện hàng loạt công việc, khảo sát thiết kế, lựa chọn nhà  thầu, vật liệu... lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện tối đa để đơn vị này thực hiện thi công đường ống số 2.

Từ hôm qua, 22-7, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai bàn giao ngay mặt bằng cho Vinaconex tổ chức thi công, đồng thời có phương án phân luồng phương tiện. Sở NN&PTNT tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu thi công đoạn qua sông. Sở Quy hoạch-Kiến trúc hướng dẫn hướng tuyến, cốt cao độ. Sở Xây dựng là tổng chỉ huy, phối hợp, giám sát và chịu trách nhiệm toàn diện trước TP về dự án này. Khẳng định sẽ siết chặt quản lý dự án, không để tái diễn tình trạng như từng xảy ra ở tuyến ống số 1, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, TP sẽ tham gia giám sát dự án từ khâu thiết kế, thi công đến nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Bị cắt điện, nước sông Đà sẽ chảy yếu

Ngày 22-7, Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho biết, Chi nhánh điện lực Kỳ Sơn (Hòa Bình) vừa thông báo sẽ tiến hành cắt điện Nhà máy nước vào ngày 24-7 “để sửa chữa trạm 110Kv Hòa Bình”. Để đảm bảo kế hoạch sản xuất và an toàn cấp nước, Viwasupco sẽ chủ động tích đầy nước bể chứa khi cắt điện và kéo dài thời gian cấp nước trong thời gian bị cắt điện. Nhưng do bị ngừng cấp điện trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước trên tuyến ống, nên có thể xảy ra hiện tượng áp lực thấp từ 8h - 11h ngày 24-7. Viwasupco cam kết sẽ phối hợp với Điện lực Hòa Bình rút ngắn thời gian cắt điện, vận hành lại nhà máy sớm nhất.