Thầy nào, trò nấy ?!

ANTĐ - Cuối tuần qua, làng bóng Việt “nóng” với 2 câu chuyện liên quan đến U17: Ban huấn luyện U17 Hà Nội T&T đánh nhau với lái xe taxi sau trận thua chung kết U17 quốc gia và cầu thủ Romania gốc Việt 17 tuổi -Florentin Phạm Huy Tiến có cơ hội dự Champions League.

Bóng đá Việt cần thay đổi để tự đào tạo ra những tài năng, thay vì “ăn mày”
những sản phẩm của các nền bóng đá khác như trường hợp Florentin Phạm Huy Tiến

1. Ở câu chuyện đầu tiên, người ta không khỏi sốc trước cách hành xử của những “ông thầy” tại lò đào tạo uy tín nhất nhì cả nước. Hình ảnh 5 “ông thầy” này được phác họa qua lời kể của nạn nhân - lái xe Nguyễn Hữu Phi (hãng taxi Mai Linh, trú tại 15/46 Nguyễn Du - TP Huế) như sau: “Khi lên xe tôi, 5 người của Hà Nội T&T nồng nặc mùi rượu. Họ ấm ức vì đội nhà thua trong trận chung kết, có biểu hiện quá khích, dùng lời lẽ tục tĩu với tôi. Họ đòi tìm “đào” để giải đen, tôi nói không có, giới thiệu đến địa điểm ăn chơi khác thì bị thóa mạ. Tôi không hài lòng, yêu cầu họ xuống bắt xe khác thì họ lập tức đánh tôi”. Về phần mình, một lãnh đạo U17 Hà Nội T&T xác nhận người của mình có xô xát và hậu quả là HLV trưởng Vũ Hồng Việt bị khâu 5 mũi ở đầu. Sự việc nghiêm trọng này được báo cáo lên công an TP Huế và đến trưa qua 27-7, những thành viên U17 Hà Nội T&T liên quan vụ việc vẫn phải lưu lại TP Huế để phục vụ công tác điều tra. 

Vụ việc trên không chỉ làm xấu xí đi hình ảnh các “ông thầy” mà còn báo động vai trò người thầy trong bóng đá Việt. Ý thức được tầm quan trọng của đào tạo trẻ nên các nền bóng đá tiên tiến thế giới đều rất chú trọng trong việc tìm thầy. Chuyên gia Vũ Công Lập – người có nhiều năm tìm hiểu các hệ thống đào tạo trẻ hàng đầu thế giới, cho biết: “Sở dĩ họ phải chú trọng là vì các cầu thủ trẻ mới có tài năng phát lộ, cần được uốn nắn cả về kỹ năng chơi bóng lẫn kỹ năng sống. Và để làm tốt điều này phải có những ông thầy giỏi. Đào tạo cầu thủ càng nhỏ tuổi lại càng cần thầy giỏi”. Song đào tạo trẻ ở Việt Nam gần như ngược lại. Lâu nay, chuyện một ông thầy đang huấn luyện đội 1 bị chuyển xuống huấn luyện đội trẻ bị xem như một cách kỷ luật nội bộ. Các đội trẻ được giao cho những ông thầy có trình độ làng nhàng. HLV ít tên tuổi thì cho huấn luyện U11, U13. Có chút thành tích thì đôn lên nắm U15, U17, U19. Làm HLV tuyển trẻ Việt Nam hiện nay dễ dãi đến mức khi một cầu thủ vừa treo giày không biết làm gì thì người ta cho đi dạy trẻ con đá bóng! Đáng buồn hơn là thực trạng nhiều HLV khi còn làm cầu thủ từng dính vào tiêu cực, hoặc có lối sống thiếu chuẩn mực nhưng vẫn được giao trọng trách “trồng người” cho bóng đá Việt. 

2. Trong bối cảnh mất niềm tin trầm trọng vào bóng đá trong nước, người hâm mộ một lần nữa phải hướng ánh mắt mòn mỏi tới các cầu thủ gốc Việt đang thi đấu ở nước ngoài. Florentin Phạm Huy Tiến, 17 tuổi, có bố là người Việt, mẹ người Romania được chuyển sang khoác áo đội bóng số 1 của Rumania là Steaua Bucharest - đội bóng đã từng đánh bại Barcelona để vô địch Champions League 1986. CLB Steaua Bucharest của Huy Tiến đang dẫn đầu giải VĐQG Romania và tràn đầy cơ hội tham dự UEFA Champions League mùa bóng tới. Trong lúc nhiều người xem Huy Tiến như niềm tự hào cho dân tộc thì cầu thủ Việt Nam đầu tiên có cơ hội dự Champions League đã thẳng thắn cho biết không muốn đá cho ĐTQG Việt Nam.

Có thể quyết định của Huy Tiến khiến một bộ phận người hâm mộ Việt Nam thất vọng, nhưng đó là sự lựa chọn hợp lý. Tài năng của cầu thủ mang dòng máu Việt này là sản phẩm của nền bóng đá Romania. Hãy thử đặt câu hỏi: Nếu Huy Tiến được đào tạo bởi các “ông thầy” của bóng đá Việt thì liệu có vươn tới thành tựu như hiện tại? Đó là lý do rất nhiều người đã đồng tình, thậm chí khuyên Huy Tiến đừng về Việt Nam thi đấu để tránh rơi vào vết xe đổ của cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn – người buộc phải rời V-League quá bạo lực và giờ đang thi đấu nổi bật tại giải nhà nghề Mỹ. Thầy nào, trò nấy, nền bóng đá nào thì đào tạo ra những cầu thủ như thế. Điều cần làm với bóng đá Việt Nam lúc này là tìm ra những “ông thầy” chuẩn mực để xây dựng một nền bóng đá chuẩn mực, thay vì “ăn mày hiện tại” như trong trường hợp của Florentin Phạm Huy Tiến.