Tự sự của gã phạm nhân tự nhận mình là kẻ lưu manh thứ thiệt

ANTĐ - Tôi theo bạn bè, tổ chức đánh bạc tại các sòng bạc lớn. Tụi tôi có một thỏa thuận ngầm với nhau: "Nếu đánh bạc thắng, hiển nhiên hốt tiền bỏ túi rủng rỉnh mang về, nhưng nếu đánh thua, cả hội sẽ rút súng và cướp số tiền thua ấy lại"

Nguyễn Trọng Thủy sinh năm 1970, tại đất võ Bình Định. Được cha mẹ nuôi ăn học, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa (Đà Nẵng), có công việc ổn định tại Sở Điện lực tỉnh Bình Định. Nhưng thay vì làm ăn lương thiện, hắn chọn cho mình lối đi tắt để chạm tới ngưỡng giàu. Biết rõ ma túy là con đường dẫn tới cánh cửa trại giam gần nhất, nhưng đồng tiền làm mờ mắt, gã liên tiếp gây nên hàng loạt tội lỗi và kết cục là 3 bản án dành cho kẻ "chai mặt" tại Trại giam Gia Trung (Gia Lai): trộm cướp tài sản, tội danh tàng trữ vũ khí trái phép và tàng trữ trái phép chất ma tuy, tổng hình phạt: 20 năm tù giam. Bằng giọng điệu ngang tàng của một kẻ "quen mặt" với tù tội, Thủy kể về quãng đời phiêu bạt tung hoành trên giang hồ của mình và mong ước khi ra tù sẽ sống tử tế để khỏi hổ thẹn với con gái.

Tôi là kẻ cướp xảo quyệt

Ngày 23/1/1999, tôi bị bắt tại Hà Nội khi đang lẩn trốn sự truy bắt của lực lượng Công an. Trước sự ngỡ ngàng của hành khách, tôi ngoan ngoãn đưa tay vào còng số 8, thầm nghĩ "thời của mình đã chấm hết". Không hiểu bằng cách nào đó mà họ (lực lượng Công an - PV) đã lần theo dấu vết và tóm được tôi. Tất cả đường đi nước bước đều được tôi vạch ra chi tiết, kín kẽ, rõ ràng và trên thực tế suốt bao năm tôi nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật sau khi vụ trộm cắp tài sản bị phanh phui, toàn bộ đường dây của tôi sa lưới, chỉ mình tôi tẩu thoát.

Bao năm "hành tẩu" trên giang hồ, thay bằng việc chọn một nơi ở cố định, tôi chạy xe kiếm tiền trên tuyến xe khách đường dài Bắc - Nam, tức là luôn luôn di chuyển trên xe ô tô nhằm trốn tránh tai mắt của lực lượng chức năng. Và có thể, nếu họ phát hiện ra dấu vết thì tôi cũng dễ bề lẩn trốn. Cả đời tôi sống lưu manh, quen với việc tiêu tiền như nước, không cần phải cân đo đong đếm, nên khi hết tiền, tôi như kẻ bị cụt tay chân. Trong đầu tôi ong ong bài tính làm thế nào để có tiền tiêu xài. Suy nghĩ đó dẫn tôi vào con đường phạm pháp.

 

Cuộc đời tôi không ít thăng trầm và một trong những nơi chứng kiến cuộc đời nổi trôi của tôi là mảnh đất Sài Gòn nức tiếng ăn chơi. Bản thân tôi cũng là một kẻ ăn chơi có tiếng có tăm, lúc nào cũng có gái đẹp, chân dài vây quanh. Sài Gòn những năm 90 đầy rẫy cạm bẫy và được ví là chốn ăn chơi lý tưởng dành cho những kẻ lắm tiền nhiều của. Tôi không thuộc dạng lắm tiền, nhiều của, nhưng luôn ưa thích cái mới, chốn chơi sang trọng. Chẳng vậy, chuyện một đêm tôi đốt tiền trên các vũ trường, bar, sàn nhảy đều khiến bạn bè tôi há miệng nể phục.

Ngoài ra, tôi theo bạn bè, tổ chức đánh bạc tại các sòng bạc lớn. Tụi tôi có một thỏa thuận ngầm với nhau: "Nếu đánh bạc thắng, hiển nhiên hốt tiền bỏ túi rủng rỉnh mang về, nhưng nếu đánh thua, cả hội sẽ rút súng và cướp số tiền thua ấy lại". Thực tế, đã nhiều lần thua cháy túi nhưng chưa lần nào "thiên hạ" bòn rút được đồng nào từ tay đám côn đồ chúng tôi. Có không ít kẻ ấm ức nhìn chúng tôi vơ vét toàn bộ số tiền trên chiếu bạc mặc dù rõ ràng chúng tôi là kẻ thua cuộc. Uy lực của vũ khí, khói thuốc súng và bản mặt bặm trợn của tụi du côn chúng tôi khiến nhiều người khiếp vía. Chỉ cần nhìn chúng tôi lăm lăm khẩu súng trên tay, những con bạc đen đủi không bao giờ dám ho he nửa lời.

Có lần, tụi tôi đưa tiệm vàng N.O ở quận Gò Vấp vào tầm ngắm và tổ chức cuộc "săn mồi" quy mô lớn. Biết rõ, nửa đêm tiệm vàng này sẽ biến thành sòng bạc, chúng tôi ăn mặc chỉnh tề vờ như những người thành đạt tới ghé thăm quán. Đúng như phán đoán, khi chiếu bạc đang vào hồi gay cấn nhất, chúng tôi lẳng lặng bất ngờ đột nhập, rút súng chĩa thẳng vào các con bạc, lớn tiếng quát: "Tất cả ngồi yên, cho tay ra sau đầu". Thấy chúng tôi lăm le khẩu súng trên tay, lại ăn mặc chỉn chu, giọng dõng dạc như lính hình sự, các con bạc tưởng chúng tôi là Công an, bọn chúng hốt hoảng ngoan ngoãn làm theo hiệu lệnh. Chỉ chờ có thế, tôi ra hiệu cho tụi đàn em vơ vét toàn bộ tang vật, tài sản hiện có trên chiếu bạc, trong khi con bạc ngỡ chúng tôi đang thu giữ bằng chứng.

Rủi ro ở chỗ, trước khỉ rút khỏi hiện trường, thằng em tôi nhìn thấy trên cổ của con bạc lộ sợi dây chuyền nặng trĩu, máu tham không kiềm chế được, nó nhanh tay chộp lấy sợi dây chuyền. Lúc này các con bạc sực tỉnh: "Chẳng bao giờ có chuyện Công an cướp của dân", biết chúng tôi là cướp, họ kêu lên và chống trả sẵn vũ khí trong tay, chúng tôi xả súng khiến tất cả họ bị thương đổ gục xuống nền đất, còn chúng tôi nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, không quên vét số vàng trong tiệm.

Sau khi cầm đầu vụ cướp tiệm vàng, tôi lọt vào tầm ngắm của lực lượng Công an và trở thành đối tượng truy nã đặc biệt. Và để trốn chạy khỏi vòng vây của Luật pháp, tôi phiêu bại từ Nam ra Bắc, hành tẩu lang bạt khắp cả nước.

Trên đường hành tẩu, chúng tôi còn gây thêm nhiều vụ trộm cắp xe máy, "thuộc" đồ với mánh lới vô cùng nhanh và tinh xảo. Có lẽ vì đó, tụi đàn em gọi tôi với biệt danh Thủy "quái kiệt". Tôi đã làm rất nhiều điều sai trái, gieo rắc đau thương, mất mát nhiều nơi.

Tôi đã từng vứt bỏ con đường trở thành người lương thiện

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo nhưng hiếu học Bình Định, tôi được ba mẹ cho ăn học đàng hoàng, bằng chúng bằng bạn. Tôi vẫn còn nhớ lời mẹ dặn: "Chúng ta chẳng giàu có để chu cấp cho các con tiền bạc vào đời. Chúng ta chỉ biết khuyên các con nắm chắc tri thức, văn hóa. Đó mới là con đường để xây đắp một tương lai bền vững, tốt đẹp". Tôi trở thành sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, trở thành niềm tự hào của gia đình và dòng họ. Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi được nhận vào Sở điện lực Bình Định, làm đúng chuyên ngành điện suốt 5 năm đào tạo trên giảng đường Đại học. Công tác một thời gian ngắn do được đào tạo chính quy có năng lực, vốn tiếng Anh kha khá, cùng với ý chí tiến thủ, tôi được đề xuất sang Bắc Ai-len đào tạo nâng cao. Đó là niềm vinh hạnh lớn của một gã trai mới bước vào đời. Thế nhưng, cuộc sống này luôn ẩn chứa những khúc cua bất ngờ, thậm chí chỉ một đường cua gấp, cuộc đời người ta có thể chuyển xoay sang một hướng hoàn toàn khác.

Kể từ lúc nhận quyết định cho tới khi hoàn tất thủ tục visa, đóng gói đồ đạc cần thiết cho chuyến du học dài hơi kéo dài 3 năm, tôi luôn sống trong trạng thái lơ lửng, bay bổng như trên mây. Mặc dù có quyết định đi du học xong tôi vẫn đi làm ở công ty, vẫn nhận phiên trực bình thường như các anh em khác. Ngày 19/12/1992, tôi được phân công trực, nhưng đúng hôm ấy công ty tôi tổ chức liên hoan, mải vui quên nhiệm vu khảo sát dàn máy, tôi để xảy ra sự cố tràn dầu ở cảng. Tới khi phát hiện sự cố thì đã quá muộn. Vụ việc của tôi đã gây tổn thất lớn cho công ty, kèm theo đó là tôi bị đình chỉ công tác 1 tháng, hủy quyết định đi du học Bắc Ai-len. Bao nhiêu nỗ lực, háo hức của tôi tan vỡ như bong bóng xà phòng. Nhận quyết định cảnh cáo mà lòng tôi nặng trĩu. Lần đầu tiên thằng con trai bản lĩnh, cứng cỏi rơi nước mắt nghĩ tới nỗi thất vọng, buồn bã trên gương mặt ba mẹ tôi ở quê nhà.

 

Sau một tháng rệu rã nghỉ việc, tôi đi làm trở lại, nhưng dù có lao động chăm chỉ tới đâu tôi vẫn bị trừ 50% lương trong số tổng thu nhập hàng tháng - trừ vào tiền tổn hại trước đó gây nên. Mức lương bèo bọt không đủ xoay xở với cuộc sống của một gã trai dù mức chi tiêu chỉ đạt mức tối thiểu. Chán nản làm Nhà nước, tôi bỏ ra ngoài làm ăn riêng, bắt đầu bước chân vào mặt trái, góc khuất của xã hội.

Đầu óc tinh quái, linh hoạt và có thể tạm gọi là "nhạy cảm" với mặt trái của xã hội, tôi trở thành "đầu nậu" hàng điện tử đánh từ Singgapo, Hồng Kông (TQ) về cảng Quy Nhơn. Biết chắc công việc của mình sai trái, và tiềm tàng rủi ro cao, đặc biệt dễ sa lưới pháp luật, tôi tự trang bị cho mình vũ khí nóng phòng thân. Trong thời gian ấy, tôi kiếm được rất nhiều tiền. Khi có tiền trong tay, tôi mải mê những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng ở vũ trường, đốt tuổi thanh xuân của mình trong cờ bạc, rượu mạnh và chân dài.

Trong một lần đánh hàng trái phép, tôi bị lực lượng chức năng vây bắt sợ phải ngồi tù, tôi rút súng chống trả, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải ngoan ngoãn cho tay vào còng số 8. Đó là năm 1993, với tội danh tàng trữ vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ, tôi bị tuyên phạt 3 năm tù giam.

Trở về xã hội sau thời gian bóc lịch trong tù, thói quen tiêu tiền ngấm vào máu được dịp phát huy tác dụng, tôi bắt đầu hành nghề trộm cắp vặt. Từ trộm cắp vặt, tôi "phát triển" lên thành trộm cướp có tổ chức theo nhóm, sẵn sàng "yểm trợ”, tương trợ nhau trong những phi vụ khó nhằn. Nhận thấy ma túy là mặt hàng siêu lợi nhuận, tôi trở thành "đầu mồi" cung cấp ma tuy lẻ cho các "dân chơi" ở vũ trường, sàn nhảy chốn Sài Gòn. Hồi đó, tôi bị đồng tiền điều khiển, tôi làm tất cả mọi thứ phạm pháp để kiếm tiền: mua bán ma túy, trộm cướp tài sản... Nhưng cổ nhân có câu "đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", một kẻ lưu manh như tôi không thể thoát được lưới trời lồng lộng. Tôi trở thành đối tượng truy nã đặc biệt với 3 tội danh: tội trộm cướp tài sản, tội danh tàng trữ vũ khí trái phép và tàng trữ trái phép chất ma túy. Mặc dù trốn chui, trốn lủi suốt 2 năm, nhưng cuối cùng kẻ có tội đã phải đền tội trước luật pháp.

Lời kết

20 năm tù giam là bản án đích đáng dành cho kẻ tôi lỗi như Nguyễn Trọng Thủy. Thú thực, suốt cuộc trò chuyện cùng Thủy, tôi không có mấy niềm tin về sự hướng thiện, hoàn lương của gã tù nhân này. Nhưng, cuối cùng, gã cũng cúi mặt, thốt lên được một câu gan ruột và chí tình: "Khi ra tù cũng đã là một kẻ già cả rồi. Bao nhiêu năm trộm cắp, tù tội, tôi đã làm "bẩn" chức danh "người cha", trở thành nỗi xấu hổ của cô con gái. Chắc sau tôi cũng hoàn lương, làm lại phần đời, sống tử tế cho khỏi hổ thẹn với con gái thôi". Không biết, Thúy có thực hiện được lời mình hứa hay không, nhưng ít nhất bản năng làm cha phần nào đánh thức phần người trong gã.

Ghi theo lời kể phậm nhân Nguyễn Trọng Thủy – Trại giam Gia Trung – Gia Lai