Già cũng phải nghĩ lại

ANTĐ - Nhiều người, trong đó có tôi, thường thành kiến rằng, văn hóa đọc đang tụt dốc không phanh, nhất là giới trẻ. Nếu có quyển nào “chẳng may” nằm trên tay thanh niên thì đều là sách thị trường, tiêu khiển, giải trí. 

- Văn hóa nghe, nhìn cộng với mạng xã hội giăng mắc khắp nơi, đương nhiên giới trẻ khó mà không sa chân vào. 

- Ai cũng nghĩ vậy! Thế mà tại hội sách ở TP.HCM, tác giả cuốn “Buồn làm sao buông” lại “ăn khách” hàng đầu, vượt qua cả nhà văn Mỹ có đông độc giả Việt Nam và nhà văn Việt Nam có sách bán chạy nhất. 

- Vì sao có hiện tượng đó?

- Nhiều nguyên nhân lắm. Tác giả trẻ này viết cho lứa tuổi suốt ngày đặt câu hỏi “mình là ai?” và luôn khao khát có người lắng nghe, đồng cảm. Gần gũi, nhẹ nhàng, lại không “dạy bảo” người đọc, tự nhiên đi vào lòng người thôi.

- Chỉ thế thôi thì nhiều nhà văn khác cũng đã làm được?

- Không chỉ vậy đâu. Cuốn tản văn tưởng như chỉ viết về nỗi buồn nhẹ nhàng đó lại cũng chứa đựng đầy triết lý: người ta dễ dàng gặp gỡ, quan hệ đến chóng vánh, không đủ sâu sắc và bền lâu. Tác giả giãi bày, phương tiện giao tiếp càng phong phú, con người càng ít chỗ dựa khi cô đơn. Nhiều khi cảm thấy lạc lõng, cô đơn giữa đông người. 

- Suy nghĩ như triết gia, chắc trong bụng phải một “bồ” đông tây kim cổ. 

- Đâu có. Không nhận mình là một nhà văn chuyên nghiệp, cây bút này tiết lộ, tác phẩm gối đầu giường là Truyện Kiều, chứ không phải của nước ngoài. 

- Trẻ mà sâu sắc thế thì già cũng phải nghĩ lại thôi.