Để nhổ những “cái rễ”

ANTĐ - Tốn bao thời gian, công sức, cuối cùng Bộ GD-ĐT cũng chọn được phương án khả thi chỉ còn một kỳ thi quốc gia, ít gây xáo trộn việc dạy và học cũng như tâm lý cha mẹ học sinh.

- Chọn xong phương án thi đương nhiên là chuyện “đại sự”, nhưng còn những chuyện “tiểu sự” như cách thi ra sao sẽ quyết định đến việc dạy và học của thầy và trò.

- Giáo dục được coi là “quốc sách”, ví như một tảng đá lớn phải di chuyển từ từ. Không thể nhẹ nhàng nhấc ngay lên được, bởi tảng đá đó đã “mọc rễ” rất sâu, rất khó nhổ.

- Quả thật động đến chuyện gì cũng rắc rối, phức tạp, khó gỡ, từ chương trình đến sách giáo khoa, rồi thầy chưa ra thầy, trò chưa ra trò; dạy thêm, học thêm…

- Chuyện “trồng người” thì cả xã hội phải xúm tay vào, đâu chỉ riêng ngành giáo dục. Nhưng khó nhất là những “cái rễ” đã cắm sâu vào đầu óc mấy chục năm nay. Ngay những thầy cô bạc tóc trên bục giảng cũng thừa nhận mình nói nhiều quá cứ “thao thao bất tuyệt”, học trò thì im thin thít như ngậm hạt thị, chỉ biết cắm đầu ghi chép.

- Ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng bó tay kêu rằng, hệ thống giáo dục đại học ở ta đào tạo sinh viên giống như con vẹt. Học thuộc bài và nói rất hay, nhưng thực hành thì mù tịt. Vì thế ra trường, cầm mảnh bằng mà xếp hàng thất nghiệp cả hàng chục vạn người.

- Dạy như khiếu, học như vẹt, làm thì dở ẹc, đó là những “cái rễ” ăn sâu nhất mà cần phải chung sức đồng lòng và cần cả tâm, trí, thời gian mới nhổ được.