Ukraine triển khai chiến dịch “chống khủng bố”

ANTĐ - Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 15-4 cho biết nước này đã bắt đầu chiến dịch “chống khủng bố” tại khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Nga và phương Tây tiếp tục các nỗ lực ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Các tay súng canh gác bên ngoài văn phòng thị trưởng thành phố Slavyansk ngày 14-4

Xe tăng Ukraine tiến về miền Đông

Chiến dịch này được thực hiện sau khi ông Oleksandr Turchynov ký sắc lệnh “Về các biện pháp cấp bách để ngăn chặn nguy cơ khủng bố và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính quyền lâm thời Ukraine tiếp tục leo thang tại miền Đông. Trong khi đó, theo ông Vyacheslav Ponomarev, người đứng đầu chính quyền Slavyansk, thuộc vùng Donetsk, xe tăng của lực lượng vũ trang do chính quyền Kiev kiểm soát đang di chuyển về phía thị trấn này. Ông Ponomarev cho biết, các khí tài quân sự hạng nặng đang được vận chuyển đến Slavyansk. 

Ngày 15-4, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố ở miền Đông Ukraine, đặc biệt là tại khu vực Donetsk. Theo Cơ quan Nội vụ Donetsk, khoảng 3.000 người đã cùng tham gia biểu tình phản đối tại 9 thành phố trong tỉnh, nhiều trụ sở cơ quan công quyền vẫn bị chiếm giữ. Các phần tử ly khai ở miền Đông cũng đang tích cực chuẩn bị phòng ngự trước khả năng bị lực lượng an ninh Ukraine tấn công.

Nỗ lực ngoại giao 

Trước tình hình căng thẳng tại Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14-4 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Obama bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự ủng hộ của Chính phủ Nga đối với hành động của các phần tử ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. Ông Obama nói với ông Putin rằng, tất cả các lực lượng này phải hạ vũ khí và rời khỏi các tòa nhà chiếm giữ, đồng thời yêu cầu Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine.  

Về phần mình, Tổng thống Putin bác bỏ thông tin cho rằng Nga đang can thiệp vào các vấn đề tại Ukraine. Ông Putin khẳng định, các cuộc biểu tình ở một số tỉnh miền Đông của Ukraine là do chính quyền tại Kiev thiếu thiện chí. Ông Putin cho rằng, điều quan trọng trước tiên và trên hết là chính phủ tạm quyền Ukraine phải tính đến sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị và các khu vực trong quá trình soạn thảo Hiến pháp mới. Tổng thống Putin cũng hối thúc Tổng thống Obama sử dụng ảnh hưởng và khả năng của Mỹ để ngăn chặn việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình tại Ukraine. 

Trong khi đó, ngày 15-4, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen kêu gọi Nga tìm cách giảm căng thẳng tại Ukraine và không ủng hộ các phần tử ly khai thân Nga. Ông Rasmussen nhấn mạnh rằng NATO không thảo luận về việc triển khai quân tại Ukraine mà vẫn chú trọng tới các giải pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng.