Trung Quốc: Mỹ không nên “nhúng tay” vào tranh chấp trên biển Đông

ANTĐ - Hôm 15/7, Trung Quốc tuyên bố Mỹ không nên “nhúng tay” vào các vấn đề tranh chấp trên biển Đông và Washington nên để các quốc gia trong khu vực tự giải quyết vấn đề riêng của mình.

Hãng tin Reuters cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lặp đi lặp lại rằng, nước này có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Trường Sa và có quyền thu hồi, bắt giữ ngay lập tức đối với ngư dân và các trang thiết bị của các nước khác đang “chiếm giữ bất hợp pháp” hòn đảo của Trung Quốc.

Luận điệu nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc còn được thể hiện ngay trong một tuyên bố của Bộ ngoại giao nước này: "Điều đáng tiếc là một số quốc gia trong những năm gần đây đã tăng cường sự hiện diện bất hợp pháp của họ thông qua việc xây dựng trên các hòn đảo, Trung Quốc kiên quyết sẽ bảo vệ chủ quyền và các quyền hàng hải và đã luôn luôn duy trì giải quyết vấn đề dựa trên các cuộc đàm phán trực tiếp với các nước liên quan trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế”.

Những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông khiến châu Á lo ngại


Trung Quốc đưa ra lời phát biểu trên sau khi Washington bày tỏ mong muốn Bắc Kinh và các quốc gia ở Đông Nam Á chấm dứt mâu thuẫn căng thẳng về vấn đề biển Đông. Trong một tham chiếu đến Mỹ, Trung Quốc đã thể hiện việc coi Mỹ là “người ngoài cuộc”, kêu gọi tính trung lập, phân biệt đúng sai rõ ràng và tôn trọng vấn đề riêng của Đông Á.  

Trước những lời chỉ trích ngầm của Trung Quốc, ông Michael Fuchs cho biết tại Hội nghị về biển Đông họp ngày 11/7 tại Washington: “Trung Quốc đang tìm mọi cách để gạt bỏ vai trò của các cường quốc, trong đó có Mỹ trong các vấn đề biển Đông. Nhưng họ quên mất rằng, nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã là một sức mạnh không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định trong khu vực Thái Bình Dương”.

Ông Fuschs cho rằng, Hoa Kỳ đã và đang luôn giữ vai trò thiết yếu đối với hòa bình, thịnh vượng và an ninh khu vực trong nhiều thập kỷ, với lực lượng hải quân mạnh nhất ở Tây Thái Bình Dương.  

Trước vấn đề biển Đông đang nóng lên từng ngày, ông Fuchs cũng bày tỏ mong muốn các quốc gia trong Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc có một cuộc thảo luận thực tế và bổ sung thêm một lời kêu gọi kiềm chế vào “Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông” ký kết năm 2002, nhằm tạo cách ứng xử tôn trọng, bình đẳng giữa các quốc gia.