Triều Tiên sẵn sàng cho kế hoạch phóng vệ tinh

ANTĐ - CHDCND Triều Tiên ngày 10-4 tuyên bố nước này đã sẵn sàng cho kế hoạch phóng vệ tinh vào cuối tuần này, bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Tên lửa Unha-3 tại trung tâm vũ trụ Tangachai -ri của Triều Tiên

“Chúng tôi sẽ hoàn tất việc lắp đặt vệ tinh vào tên lửa trong hôm nay”, ông Ryu Kum-Chol, một quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Công nghệ vũ trụ của Triều Tiên nói trong buổi họp báo ở Thủ đô Bình Nhưỡng hôm 10-4. Vụ phóng vệ tinh này dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 16-4 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Triều Tiên nói rằng tên lửa đẩy Unha-3 sẽ đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 nặng 100kg vào quỹ đạo nhằm thu thập dữ liệu về rừng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước này. Triều Tiên khẳng định vụ phóng vệ tinh của nước này sẽ không gây tác hại đến các quốc gia láng giềng cũng như toàn khu vực. 

Dù vậy, kế hoạch trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và một số nước khác, cho rằng đây là bình phong cho một vụ thử tên lửa đạn đạo. “Chúng tôi coi quyết định phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng là một ví dụ về việc không tuân thủ các quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ”, Hãng thông tấn Nhà nước Nga Ria Novosti ngày 10-4 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Alexander Lukashevich. Trong khi đó, Hàn Quốc cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ bị cô lập thêm nếu vẫn tiếp tục kế hoạch phóng vệ tinh. Các quan chức Hàn Quốc tin rằng sau khi phóng vệ tinh, Triều Tiên sẽ thực hiện vụ thử hạt nhân lần 3,  sau 2 vụ thử hồi tháng 10-2006 và 5-2009.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Vi Dân đã kêu gọi các bên bình tĩnh và tránh làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ thúc giục Trung Quốc gây sức ép buộc Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch trên. Ngày 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và người đồng nhiệm Hàn Quốc Kim Kwan-Jin đã có cuộc điện đàm nhằm phối hợp hành động chống lại “sự khiêu khích nghiêm trọng” từ vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. 

Cùng ngày, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã bắt đầu phát đi cảnh báo cho tàu bè trong khu vực về nguy cơ các mảnh vỡ trong vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên rơi xuống, trong khi một số hãng hàng không châu Á như Korean Airlines, Philippine Airlines và Cebu Air Inc thay đổi tuyến đường bay nhằm tránh đường đi của tên lửa Triều Tiên.