Trung Quốc

Sợ tội, quan chức đua nhau tự tử

ANTĐ - Trong khi kế hoạch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng đang lên cao trào, quan chức nước này theo nhau tự sát, để lại nhiều nghi án. 

Quan chức tự tử không phải là chuyện hiếm ở Trung Quốc

1 năm 54 cái chết bất thường

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của báo Thanh niên Trung Quốc, từ 1-1-2013 đến   10-4-2014, đã có 54 quan chức tại nước này chết vì những lý do bất thường. Trong đó, thông tin chính thức cho thấy, tỷ lệ chết do tự sát trong số này là hơn 40% với 8 người nhảy lầu, số còn lại chết do treo cổ, tự thiêu, uống thuốc trừ sâu...

Trong các nguyên nhân tự sát, bệnh về tinh thần như trầm cảm được cho là chiếm phần lớn với ít nhất 8 trường hợp. Cấp bậc cao nhất trong số tự tử do trầm cảm là nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Trung Quốc Bạch Trung Nhân. Ngày 4-1-2014, ông Bạch Trung Nhân qua đời tại nhà riêng, nguyên nhân tử vong đến nay vẫn chưa được công bố, song phía gia đình tiết lộ ông này bị trầm cảm khá lâu.

Tháng 4 vừa qua, dư luận Trung Quốc lại tiếp tục xôn xao vì 4 vụ quan chức tự tử. Ngày 8-4, ông Từ Nghiệp An, phó Cục trưởng Cục Thông phỏng quốc gia Trung Quốc (cơ quan chuyên tiếp nhận đơn từ, ý kiến từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; phân tích tổng hợp, điều tra các vấn đề quan trọng) tự sát tại văn phòng làm việc ở Bắc Kinh. Hiện nguyên nhân vụ việc chưa được công bố. Theo đồng nghiệp, sức khỏe của ông Từ không tốt, những tháng đầu năm nay tinh thần suy sụp, nhiều nguồn tin cho rằng ông tự tử vì mắc trầm cảm. Sau ông Từ, ông Hà Cao Ba, Phó chủ nhiệm Văn phòng quản lý xây dựng thuộc phường Cẩm Bình, thị xã Phụng Hoá, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, cũng được phát hiện đã tự sát. Sự ra đi đột ngột của ông Hà được cho rằng do liên quan đến tham nhũng, bởi có một tòa nhà 5 tầng bị sập làm 1 người tử vong nằm trong phạm vi quản lý của ông này. Sau sự cố, 3 cán bộ phụ trách trực tiếp tòa nhà trên bị bắt giữ. 

Trước đó, ngày 24-3, Phó chủ nhiệm Văn phòng tin tức Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Lý Ngũ Phong tử vong do ngã từ tầng cao tại văn phòng làm việc ở Bắc Kinh. Tờ “Minh báo” Hồng Kông dẫn lời một nguồn tin cho biết, bước đầu điều tra cho thấy nguyên nhân tử vong không có điểm đáng nghi, khả năng do chịu không nổi áp lực công việc mà tự sát. Trước đó việc thăng chức của ông Lý từng bị đưa ra bàn luận nhiều lần. Cùng thời điểm đó xảy ra cái chết của một nhân vật cũng được dư luận Trung Quốc chú ý đến là ông Chu Du, Đội trưởng Đội điều tra thuộc cơ quan cảnh sát quận Du Trung, thành phố Trùng Khánh. Ông Du từng lập nhiều công trạng trong chiến dịch “đả hắc trừ gian” được khởi xướng trong thời gian Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân còn tại vị. Ông Du được phát hiện chết trong phòng một khách sạn ở quận Du Trung. Trong thông báo của cơ quan cảnh sát địa phương, ông này tự sát do mắc chứng trầm cảm sau một thời gian dài bệnh tật.

Trong chiến dịch “đả hắc” được khởi xướng vào năm 2009, ông Chu Du là Phó tổ trưởng Tổ chuyên án “091” được thành lập với 192 thành viên. Chiến dịch “đả hắc trừ gian” có mục tiêu truy quét các băng nhóm xã hội đen, chống tham nhũng, lập lại kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, chiến dịch này bị dư luận xem là quá mạnh tay, thậm chí là tàn bạo và tùy tiện. Nhiều cảnh sát địa phương và doanh nhân đã bị kết án sai và chỉ có số ít được minh oan sau khi Bạc Hy Lai bị xử. Tháng 5-2010, ông Chu Du là một trong 20 người được tặng thưởng Huân chương Lao động Quốc gia nhờ những công trạng đã đóng góp trong chiến dịch trên.

Việc quan chức Trung Quốc “đua” nhau tự sát vốn không phải là chuyện lạ. Tháng 10-2008, Chủ nhiệm Văn phòng nông nghiệp huyện Bắc Thuận, tỉnh Tứ Xuyên Đổng Ngọc Phi thắt cổ tự sát; tháng 4-2010, Phó giám đốc Phòng Tuyên truyền huyện này cũng tự sát với phương thức tượng tự, sau đó 1 tháng, một cán bộ thuộc Phòng Nông nghiệp huyện nhảy lầu trong tình trạng bệnh tật. Tháng 4-2011, ông Trương Quảng Sinh, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật - cơ quan Công an thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam cũng đã nhảy lầu tự tử ở tuổi 54 vì trầm cảm. Tháng 2-2013, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Sùng Châu, tỉnh Tứ Xuyên Kha Kiến Quốc nhảy lầu tự tử, kết thúc cuộc đời ở tuổi 45. 

Nguyên nhân bị bưng bít?

Truyền thông Đài Loan chỉ ra, từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức và đẩy mạnh phong trào chống tham nhũng, hơn 1 năm nay liên tục xuất hiện những vụ việc quan chức tự sát. Nhiều cái chết bất thường của quan chức được lấy lý do xuất phát từ bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, ông Trúc Lập Gia, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu và giảng dạy công cộng thuộc Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc cho rằng: “Nguyên nhân quan chức tự sát được giải thích là do áp lực công việc, hoặc là do mắc bệnh trầm cảm, nhưng thực tế người dân đều hoài nghi”. Nếu quan chức thực sự mắc bệnh trầm cảm, hành vi của họ sẽ có dấu hiệu bất thường, đồng nghiệp và người thân dễ dàng nhận ra. Nhưng điều lạ là, sinh hoạt của những người này khá bình thường, trang Boxun.com đăng tin.

Cũng theo bài viết trên Boxun, khi quan chức tìm đến cái chết với lý do trầm cảm, dư luận thường cho rằng nhất định có bí mật gì đó không thể nói ra, chọn cái chết là để người đứng sau thoát trách nhiệm, thậm chí không loại trừ việc bị giết hại để che giấu những chứng cứ phạm tội lớn hơn. Theo bình luận của cư dân mạng, Luật Hình sự Trung Quốc quy định không tiến hành điều tra hình sự đối với người đã mất, do đó đối với quan chức tham nhũng, đây chính là một cơ hội để vừa né được điều tra, vừa có thể giữ được của cải tham ô, vừa đường hoàng “hy sinh cá nhân, tạo phúc cho nhiều người khác”. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, quan chức tự tử đa phần chức vụ không cao, còn những “con hổ lớn” lại không hề có khái niệm tự sát trong đầu.