Đông Nam Á trở thành điểm nóng của cướp biển

ANTĐ - Báo cáo của Liên hợp quốc công bố tháng 6-2014 cho biết, mặc dù số vụ cướp biển trên toàn thế giới giảm nhưng Đông Nam Á lại đang trở thành điểm nóng của tệ nạn này.

Tàu chở dầu-mục tiêu tấn công của bọn cướp biển

150 vụ trong năm 2013

Năm 2013, có 264 vụ cướp biển trên thế giới, giảm 11% so với năm 2012 và 41% so với năm 2011 khi cướp biển Somalia ở thời kỳ hoạt động mạnh nhất. Còn báo cáo của Viện Nghiên cứu và Đào tạo thuộc Liên hợp quốc (UNITAR), số vụ cướp biển trong năm 2013 và mấy năm trở lại đây có xu hướng giảm, đặc biệt là số vụ do cướp biển Somalia tiến hành. Số tiền chuộc mà cướp biển đòi được cũng giảm từ 150 triệu USD năm 2011 xuống 60 triệu USD trong năm 2013. Các vụ tấn công diễn ra gần bờ hơn (thường ở khoảng cách dưới 50 km tính từ bờ biển trong năm 2013). 

Trong khi đó, nạn cướp biển ở Đông Nam Á lại gia tăng, đặc biệt là vùng eo biển Malacca, giữa Malaysia và Indonesia. Các vụ tấn công ở khu vực này có xu hướng gia tăng từ năm 2010 và đã lên tới 150 vụ trong năm 2013. Eo biển Malacca chiếm phần lớn lượng hàng hóa và dầu mỏ vận chuyển đến và đi từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. 

Mới đây, Cơ quan Hàng hải Quốc tế (IMO) cho biết, chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay đã xảy ra 23 vụ hải tặc tại vùng biển Đông Nam Á, đặc biệt ở ngoài khơi vùng biển Indonesia. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2013 số vụ cướp biển ở Indonesia là 106 vụ, Malaysia 9 vụ, Singapore 9 vụ, Việt Nam 9 vụ… Mới nhất, IMO cho biết, ngày 15-6 vừa qua, Hải quân Malaysia đã chặn đứng một vụ tấn công của cướp biển nhằm vào một tàu chở dầu của Singapore ngoài khơi phía Đông của nước này trên Biển Đông. Theo IMO, Hải quân Malaysia, được sự trợ giúp của lực lượng Hải quân Indonesia và Singapore, đã ngăn chặn được vụ tấn công trên vào tối 14-6. Toán cướp biển đã bỏ trốn trước khi các tàu hải quân tới. Toàn bộ thủy thủ đoàn và hàng hóa đều an toàn, song không cho biết thông tin chi tiết về chiếc tàu chở dầu hay những tên cướp biển. 

Trước đó, ngày 2-6, cướp biển đã thả một tàu chở dầu MT Orapin cùng 14 thủy thủ của Thái Lan sau khi đã cướp toàn bộ số dầu diesel và phá hủy thiết bị liên lạc trên tàu. Chiếc tàu bị cướp khi đang trên hành trình từ Pontinanak tới Kalimantan của Indonesia.

Đại diện giấu tên của một công ty quản lý tàu biển có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quố) cho biết: “Số liệu thống kê cho thấy, tình trạng cướp biển đang phát triển trở lại ở châu Á. Các tàu chạy chậm với phần nổi thấp khi đi qua khu vực có cướp biển thường gặp nguy hiểm rất lớn”.

Vì nỗi lo kinh tế

Theo Viện Hải dương Quốc tế, việc giảm thị phần đánh cá trong khu vực do hậu quả của việc đánh bắt quá nhiều, có thể gây ra các vụ cướp, bắt cóc và đòi tiền chuộc. Bởi, những ngư dân nghèo khổ, bị bần cùng hóa đang dần trở thành cướp biển vì nỗi lo sinh kế. Ngoài ra, một nghiên cứu của trường Đại học Murdoch, phía Tây Australia cho biết, tất cả các yếu tố như quy tắc hàng hải yếu kém, nghèo đói, tác động của sự suy thoái hệ sinh thái, đánh bắt quá mức, các nhóm tội phạm có tổ chức cùng các nhóm cực đoan có động cơ chính trị trong khu vực là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng cướp biển ở Đông Nam Á và định hình nguyên nhân của các cuộc tấn công.

Bên cạnh đó, sự tranh chấp lãnh hải trong khu vực đang ngày càng trở nên căng thẳng cũng có thể tạo điều kiện cho cướp biển hoạt động mạnh hơn tại các vùng biển Đông Nam Á. 

Vì nhiên liệu

Vì nhiên liệu là phần chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành Hàng hải nên cướp biển ngày nay tập trung vào đánh cướp những chiếc tàu chở nhiên liệu có giá trị cao, dễ vận chuyển và bán lại cho khách hàng có nhu cầu. 

Theo ReCAAP (Tổ chức thỏa thuận hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển khu vực châu Á), giá dầu tăng cao là nguyên nhân của ít nhất 4 vụ cướp biển xảy ra ở châu Á trong năm 2012 và 2013 để cướp dầu diesel và dầu khí khai thác từ biển.  

Để ngăn chặn cướp biển trong khu vực, các nước cần có sự phối hợp không chỉ ở việc tăng cường các đội tàu tuần tra, mà còn phải đặt ra bộ quy tắc thương mại hàng hải chặt chẽ cùng việc quy định hạn mức đánh bắt cá ngoài khơi cũng như ngăn chặn các nhóm tội phạm có tổ chức trong khu vực.