Độc đáo dự án tái chế xà phòng

ANTĐ - Khi tận mắt chứng kiến mỗi ngày phòng tắm của một du khách ở lại trong khách sạn/nhà nghỉ được thay bằng một bánh xà phòng mới, thậm chí cả khi chưa được sử dụng, Derreck Kayongo (người Mỹ, gốc Uganda) đã nghĩ ra ý tưởng tái chế chúng để cung cấp miễn phí cho trẻ em các nước nghèo.

Các sản phẩm trong dự án của Derreck được phát tận tay trẻ em nghèo

10 năm ấp ủ ý tưởng 

Lần đầu tiên đến Mỹ (năm 1990) và nghỉ lại tại một khách sạn ở Philadelphia (Pennsylvania), Derreck Kayongo thấy mỗi ngày khách được cung cấp bánh xà phòng mới mà chẳng dùng hết, thậm chí còn chưa dùng lần nào nhưng thừa là bỏ đi. Vừa tiếc vừa lo phải trả thêm chi phí, anh lục thùng rác gom những bánh xà phòng đó lại bỏ vào một túi nilon riêng. Khi làm thủ tục trả phòng, anh đặt túi xà phòng thừa kia lên mặt bàn và thật sự ngỡ ngàng khi nhân viên thu ngân nói số xà phòng này khách không phải trả phí. Derreck ước tính mỗi năm cả nước Mỹ sẽ có thể vứt đi hàng triệu bánh xà phòng, quả thật rất lãng phí, trong khi mỗi năm, có hơn 2 triệu trẻ em trên thế giới chết vì bệnh tiêu chảy - con số gần bằng dân số của thành phố San Antonio (Texas). Derreck nhớ lại thời gian ở một trại tị nạn, cả gia đình anh từng sống dở, chết dở khi mắc phải loại bệnh dịch chỉ vì họ không có xà phòng sử dụng. 

Năm 2009, Derreck gặp Vicki Gordon, một nhà quản lý khách sạn dành cho các cựu chiến binh, và chia sẻ ý tưởng thu gom những mẩu/bánh xà phòng đã bị loại từ khách sạn/nhà nghỉ, rồi tái chế thành bánh xà phòng hoàn toàn mới. Khách sạn của ông Vicki là nơi thí điểm đầu tiên. Ông Vicki nhận thấy ý tưởng này rất hữu ích, hoàn toàn ủng hộ. Ông cũng trở thành một trong những thành viên sáng lập Dự án “Xà phòng toàn cầu”.

Derreck và vợ anh Sarah quyết tâm thực hiện kế hoạch trong muôn vàn khó khăn. Đầu tiên, họ liệt kê và vận động tất cả các khách sạn ở Atlanta, rồi cứ đến cuối tuần họ đi thu thập xà phòng. Khi thu lượm được một lượng xà phòng đủ dùng, vợ chồng Derreck bắt đầu thử nghiệm tái chế ngay tại căn hộ tầng hầm của gia đình mình. 

Cần 2 triệu bánh xà phòng/năm

Sau giai đoạn thử nghiệm, Dự án “Xà phòng toàn cầu” ngày càng thu hút được nhiều người ủng hộ. 300 khách sạn trên cả nước Mỹ đã tham gia đóng góp cho dự án và tạo ra 100 tấn xà phòng. Một vài khách sạn thậm chí còn ủng hộ bằng loại xà phòng cao cấp có giá bán lẻ đến 27 USD mỗi bánh. Derreck cho biết, tính đến tháng 9-2012, có gần 1.000 khách sạn trên toàn nước Mỹ gửi xà phòng đến cho dự án của anh, trong đó có cả hệ thống khách sạn cao cấp Hilton. 

Những người tình nguyện trên khắp nước Mỹ đã thu gom xà phòng ở các khách sạn mà họ lưu lại và chuyển chúng đến nhà kho của nhóm ở Atlanta. Trước khi đưa đi nấu chảy, họ sẽ phân loại từng loại xà phòng riêng biệt, bởi mỗi loại xà phòng có độ pH khác nhau, tính chất, mùi hương và màu sắc khác nhau, nên không thể pha trộn.

Quá trình tái chế xà phòng khá đơn giản, chi phí thấp, nhưng bao gồm nhiều công đoạn. Những mẩu/bánh xà phòng cũ được rửa sạch sẽ. Sau đó, chúng được nấu chảy ở nhiệt độ cao, quấy đều bằng thìa/đũa chịu nhiệt, để đến khi nguội hẳn sẽ được cắt thành từng bánh đẹp mắt. Thao tác cuối cùng là đóng gói xà phòng tái chế.

Các bánh xà phòng chỉ được chuyển đi khi đã qua kiểm duyệt độ an toàn bởi một phòng thí nghiệm. Dự án “Xà phòng toàn cầu” sau đó lại làm việc với các đối tác để vận chuyển và phân phối xà phòng trực tiếp đến những người có nhu cầu. Đến nay, dự án của Derreck đã phân phát được hơn 100.000 bánh xà phòng đến người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới (chủ yếu là các nước thế giới thứ 3), trong đó có trẻ mồ côi, người tỵ nạn, bệnh nhân HIV/AIDS, nạn nhân thiên tai (như nạn nhân động đất tại Haiti), những nạn nhân chiến tranh ở Afghanistan, Iraq hay Uganda... 

Trên thực tế, lượng xà phòng tái chế mà Dự án Xà phòng toàn cầu sản xuất còn quá ít ỏi so với nhu cầu bởi theo Derreck, mỗi năm có đến cả triệu trẻ em chết vì bệnh tiêu chảy, chủ yếu là ở các nước nghèo và kém phát triển, nhưng đây là việc đầu tiên có thể giúp làm giảm tỷ lệ tử vong vì tiêu chảy ở trẻ em trên thế giới.