Dính bê bối thịt bẩn, chuỗi cửa hàng McDonald, KFC chao đảo

ANTĐ - Nhiều cửa hàng trong chuỗi ăn nhanh McDonald, KFC ở Trung Quốc đã ngừng sử dụng nguyên liệu của một nhà cung ứng ở Thượng Hải sau khi có thông tin công ty này cung cấp thịt quá hạn. Tuy nhiên, động thái này cũng không làm người dân bớt lo lắng hơn về chất lượng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày.

Thịt bị trả lại được công nhân của Husi đưa vào dây chuyền “tái chế”

Thịt quá hạn tới 7 tháng

Tối 20-7, nhân ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng anh Trương Đình Cân ở quận Gia Định, thành phố Thượng Hải đưa con đến nhà hàng KFC ăn tối. Cánh gà rán là món ăn mà bé Trương Vy, con gái anh rất thích, thậm chí còn được coi như phần thưởng mỗi khi có thành tích tốt ở trường. Tuy nhiên, bữa tối ấm cúng của gia đình anh đã bị phá vỡ giữa chừng khi tivi trong quán phát phóng sự điều tra của Đài phát thanh truyền hình Thượng Hải. Đó là một phóng sự được làm kỹ lưỡng, chi tiết với nhiều hình ảnh sống động, nội dung cho thấy, sau nhiều tháng “nằm vùng” ở Công ty TNHH Phúc Hỷ (Shanghai Husi Food Co.), phóng viên đã có đầy đủ bằng chứng cho thấy nguyên liệu mà công ty này cung cấp cho các cửa hàng ăn nhanh như McDonald, KFC, Pizza Hut là thực phẩm quá hạn được “tút” lại. Những hình ảnh miêu tả quy trình sơ chế thực phẩm nguyên liệu không tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhà xưởng của công ty này khiến anh Trương phát hoảng và lập tức đưa vợ con về, dù các suất ăn chỉ mới được đưa ra.   

Phóng sự trên cung cấp những thông tin mà phóng viên thu thập được cho thấy, công ty Phúc Hỷ không chỉ cố tình sửa chữa hạn sử dụng của thịt nguyên liệu, mà quy trình sản xuất cũng tồn tại nhiều vấn đề. Thịt, bánh   hamburger được vứt ngay dưới sàn, sau đó đưa lên dây chuyền mà không qua khâu vệ sinh; nguồn gốc thịt không đảm bảo, trong đó có thịt bò không rõ xuất xứ được làm trắng và đưa vào dây chuyền; thịt đã bốc mùi được tẩy rửa và gia công lại thành bít tết. 

Trong quá trình điều tra, phóng viên đồng thời phát hiện, ngày 18-6, 18 tấn thịt gà nguyên da và thịt ức gà quá hạn nửa tháng đã được đưa vào sản xuất, trở thành sản phẩm gà McNuggets. Thậm chí quản lý Công ty Phúc Hỷ còn cho biết số gà quá hạn đó sẽ “được ưu tiên” dùng ở Trung Quốc. Ngoài ra, sản phẩm thịt hun khói của Kentucky cũng được sản xuất từ chính nguồn nguyên liệu quá hạn này. Đáng nói là nguyên liệu dùng làm bít tết còn quá hạn tới 7 tháng, các miếng thịt đã lên nấm mốc. Hàng ngày, tại Công ty Phúc Hỷ đều có người phụ trách việc thay bao bì đóng gói nhằm kéo dài hạn sử dụng. Từ ngày 11 đến 12-6, có tới 10 tấn bít tết bán thành phẩm của Phúc Hỷ được làm từ nguyên liệu quá hạn, đáng lẽ phải bị tiêu hủy thì chúng được làm mới lại với hạn sử dụng kéo dài thêm tới nửa năm.  

Niêm phong hàng loạt

Chỉ vài giờ sau khi phóng sự đó được phát trên truyền hình, khoảng 23h ngày 20-7, mọi hoạt động sản xuất trong xưởng của Công ty TNHH Phúc Hỷ bị đình chỉ. Cùng thời điểm, đại diện Cơ quan giám sát chất lượng thực phẩm, dược phẩm Thượng Hải cho biết đã cùng bên công an xác minh làm rõ thông tin Công ty TNHH Phúc Hỷ cung cấp nguyên liệu quá hạn cho các nhà hàng ăn nhanh McDonald, KFC, Pizza Hut mà báo chí công khai. Toàn bộ nhà xưởng của công ty này ngay sau đó đã bị phong tỏa để phục vụ điều tra, các công ty sử dụng nguồn nguyên liệu của Phúc Hỷ cũng được yêu cầu niêm phong toàn bộ số hàng có xuất xứ từ công ty này. Ngay trong ngày hôm qua, các công ty có sử dụng nguyên liệu của Husi trên toàn Trung Quốc đã lần lượt niêm phong những lô hàng nghi có vấn đề.  

Trả lời chất vấn của Cơ quan giám sát chất lượng thực phẩm, dược phẩm Thượng Hải, Trương Huy, người đại diện của Husi thừa nhận đã sử dụng nguyên liệu quá hạn, thậm chí việc này đã diễn ra trong nhiều năm và dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng công khai cho phép sử dụng hàng thứ phẩm, đó là những sản  phẩm không đạt yêu cầu của khách hàng, bọn họ sẽ thu hồi sau đó bảo quản và đưa trở lại dây chuyền sản xuất. Đáng nói là khi được hỏi về vấn đề này, có công nhân của Phúc Hỷ còn trắng trợn trả lời: “Ăn thịt quá hạn không chết được”.

8h30 ngày 21-7, đúng giờ cao điểm, phóng viên đã tìm đến nhà hàng McDonald gần nhà ga tàu điện ngầm ở quận Hải Điến, Bắc Kinh. Vẫn có người đến đây mua đồ ăn sáng, song so với thời điểm trước đó thì lượng khách vắng hơn rất nhiều. Cảnh tương tự cũng xảy ra tại nhà hàng của McDonald gần ga tàu điện ngầm ở đường Trường Xuân, khi một phóng viên mua bánh mỳ kẹp xúc xích, nhân viên giao dịch cho biết nhà hàng đã ngừng bán hamburger kẹp thịt, còn gà vẫn được bán bình thường trừ gà McNuggets. Các dãy bàn trong nhà hàng gần như trống trải. Đại diện của McDonald đã chính thức xin lỗi khách hàng vì việc ngừng bán một số sản phẩm.  

Trước “sự cố” này, McDonald cho biết họ đã thông báo cho tất cả các nhà hàng trên toàn thế giới ngay lập tức ngừng sử dụng nguyên liệu được cung cấp bởi Husi, đồng thời thành lập một nhóm điều tra và sẽ nhanh chóng công bố kết quả. Trong khi đó, Yum China, hãng quản lý chuỗi nhà hàng ăn nhanh KFC và Pizza Huts cũng tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” và khẳng định đã yêu cầu các nhà hàng KFC, Pizza Hut ngay lập tức niêm phong tất cả thực phẩm do Husi cung cấp. 

Doanh nghiệp hạng A?

Shanghai Husi Food được thành lập tháng 4-1996, là công ty con tại Trung Quốc của Tập đoàn OSI Group, nhà cung ứng thực phẩm có trụ sở chính tại Mỹ, một trong những đối tác toàn cầu quan trọng của McDonald và Yum Group. Các thương hiệu mà Husi Food gia công và cung ứng nguyên liệu khá nhiều, như gà rán McDonald, KFC, Pizza Hut, Starbucks, Papa John, Yoshinoya, Keshi, Burger King, Wallace, Domino... Từ năm 2008, công ty này bắt đầu cung ứng cho Yum China.

Theo ghi nhận của phóng viên, những năm qua Husi đã nhận được rất nhiều giải thưởng khác nhau, trong đó có Cúp An khang do Phòng Giám sát VSATTP quận Gia Định, Thượng Hải tặng năm 2007. Năm 2014, Husi được đánh giá là Đơn vị tiên tiến hạng A trong sản xuất an toàn thực phẩm quận Gia Định. Tại bảng điện tử được treo ở vị trí nổi bật trong nhà máy, dữ liệu được công bố ngày 20-7 vẫn là: 328 ngày không xảy ra sự cố. 

Ngày 21-7, Công ty Phúc Hỷ cuối cùng cũng phá vỡ sự im lặng và đăng tải trên trang web của công ty, cho biết đội ngũ lãnh đạo công ty “chấn động về sự kiện này” và bày tỏ sự quan tâm cao độ, đồng thời khẳng định đã thành lập tổ điều tra. Trong tuyên bố còn chỉ ra rằng, “sự kiện lần này chỉ là cá biệt” và công ty “sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Dẫu vậy, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Vì sao cứ sau khi truyền thông làm sáng tỏ thì cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra? Vậy vai trò giám sát thường xuyên nằm ở đâu? Ông Thần Kiến Hoa, thành viên Văn phòng An toàn thực phẩm Thượng Hải đánh giá, nếu một sự cố tương tự xảy ra ở nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ coi như chấm dứt hoạt động, không bao giờ phục hồi lại được vì không chỉ bị phạt nặng tới mức phá sản mà còn bị các đối tác tẩy chay. Tuy nhiên ở Trung Quốc, doanh nghiệp vi phạm có thể “tái sinh” bằng việc nhờ người thân đăng ký lại tên một công ty mới và đó chính là lỗ hổng có lợi cho kinh doanh bất hợp pháp ở nước này.