Đàn ông Trung Quốc ngày càng khó lấy vợ

ANTĐ - Khó tìm bạn đời đã trở thành một thực trạng xã hội đáng báo động những năm gần đây đối với đàn ông Trung Quốc. Ước tính, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có khoảng 30 triệu nam giới không lấy được vợ. 

Ông Vương Thế Hỷ không lấy được vợ vì gia cảnh khó khăn và mẹ già ốm yếu

Gần 80 tuổi vẫn lẻ bóng

Mặc dù đã ở tuổi gần đất xa trời nhưng hai anh em Vương Thế Khoan, 78 tuổi và Vương Thế Hỷ, 75 tuổi ở quận Sơn Đình, thành phố Táo Trang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vẫn chưa một lần kết hôn. “Gia đình nghèo khó nên chẳng có cách nào” - Vương Thế Hỷ chia sẻ lý do ông và người anh không dám nghĩ đến chuyện tìm vợ.

Hai ông lão họ Vương cho biết, kinh tế gia đình rất khó khăn, lúc còn trẻ, thu nhập một tháng cũng không quá 1.000 NDT (3,6 triệu VND). Trong khi đó, người mẹ già mù lòa ốm đau triền miên, mỗi lần chữa bệnh mất khoảng 300 NDT, mỗi năm phải nằm viện 3-5 lần. Trong nhà gia đình họ Vương, ngoài chiếc tivi cũ được người khác cho, thứ đáng giá nhất là cây tần bì gai do ông Vương Thế Hỷ mua về từ năm 2011. Đây là loại cây người dân địa phương thường trồng để tăng thu nhập, khi đến mùa, 1kg có thể bán với giá khoảng 20 NDT. 

Theo tờ Chinanews, tại nhiều khu vực ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều chàng trai nông thôn muốn rũ bỏ thân phận nông dân để dễ tìm vợ. Những thanh niên mới lớn rời quê hương lên thành phố học thường không quay về. Bởi nếu quay về quê cơ hội tìm được vợ sẽ rất thấp. Một số lý do khiến nhiều cô gái thành thị không muốn kết hôn với thanh niên nông thôn, được một tạp chí gia đình tại Trung Quốc chỉ ra là: không đồng điệu về lối sống sinh hoạt cũng như quan niệm tiền bạc; đàn ông nông thôn dễ mặc cảm trong giao tiếp và cuộc sống chịu ảnh hưởng quá nhiều từ họ hàng. Trong khi đó, các thiếu nữ miền quê lại mơ ước “đổi đời”, một số lên thành phố kiếm việc làm và lấy chồng, số còn lại theo đuổi sự nghiệp học hành và không có ý định kết hôn với một chàng trai nông thôn không tương xứng về trình độ.

Khó khăn tìm kiếm tình duyên của nam giới ở nông thôn Trung Quốc còn do chính sách một con của chính phủ nước này. Theo chính sách được áp dụng từ năm 1979 này, mỗi cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được có 1 con, trường hợp ngoại lệ áp dụng với cặp vợ chồng ở nông thôn có con gái đầu lòng. Cuối năm 2013, sau 35 năm thực hiện nghiêm khắc, Ủy ban Lập pháp  tối cao Trung Quốc đưa ra tuyên bố nới lỏng chính sách này, cho phép vợ chồng có thể sinh 2 con nếu họ là con một.

Dù đã được nới lỏng, nhưng chính sách một con tại Trung Quốc để lại hệ quả mất cân bằng giới tính nghiêm trọng - nam giới nhiều hơn nữ giới. Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc Trần Trúc cho biết, Trung Quốc đã trở thành nước mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh cao nhất. Năm 2008, tỷ lệ này là 120,56 trẻ nam/100 trẻ nữ. Chính sách một con và quan niệm trọng nam khinh nữ, khiến nhiều gia đình chọn bé trai và bỏ đi bé gái. Điều này dẫn đến vấn đề xã hội là nam giới “ế” vợ. 

Rất hiếm cô gái thành thị Trung Quốc chấp nhận lấy chồng ở nông thôn

Lễ vật hỏi cưới cao ngất ngưởng

Lễ vật hỏi cưới vốn mang ý nghĩa truyền thống trong văn hóa Trung Quốc. Lễ vật gồm những chi phí khi tổ chức hôn lễ, mua sắm vật dụng trong gia đình, nhà cửa mới của nhà trai. Mặc dù từ những năm 1980, phong tục thách cưới cao ở nước này đã bắt đầu mờ nhạt, nhưng thực tế tư tưởng cần có lễ vật cưới vẫn còn trong nhiều bậc phụ huynh tại Trung Quốc. 

Tại các vùng nông thôn ở Trung Quốc, nhiều thanh niên còn lâm vào tình cảnh “tán gia bại sản” vì... cưới vợ. Theo một điều tra, nhiều người dân ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc phản ánh rằng chi phí hôn lễ tại đây không ngừng tăng cao. “Không lấy nổi” – là câu không ít gia đình nông thôn Hà Bắc than thở, thậm chí có một số gia đình còn trở thành “con nợ” do chuẩn bị lễ cưới. Tôn Minh – một nông dân ở làng Tôn Trang, huyện Quán Đào, tỉnh Hà Bắc, cho biết để tổ chức lễ cưới cho con trai, gia đình ông đã phải chi hàng chục nghìn NDT. “Lễ đính hôn hết 33.000 NDT, lễ vật hỏi cưới là 120.000 NDT. 200.000 NDT để mua nhà theo yêu cầu của nhà gái, 80.000 NDT mua ô tô. Tổng cộng, gia đình tôi hết khoảng 500.000  NDT”. 

Người dân cho biết, điều kiện đồng ý cưới tại vùng này thường là: nếu gần huyện thì phải mua một căn nhà trong huyện, nếu xa huyện thì phải có một nhà cao tầng trong làng; lễ vật hỏi cưới hơn 100.000 NDT; một số gia đình có thể còn “đòi” phải có ô tô. Tại huyện Khâu và huyện Đại Minh của Hà Bắc, lễ vật hỏi cưới được người dân ví von là “tam cân” hoặc “vạn màu tím, nghìn màu đỏ, một chồng tờ xanh”. “Tam cân” nghĩa là 1,5kg tờ 100 NDT (tương đương 150.000 NDT); “vạn màu tím, nghìn màu đỏ, một chồng tờ xanh” là để chỉ 10.000 tờ 5 NDT – 1.000 tờ 100 NDT - một chồng tờ 50 NDT (tổng cộng giá trị khoảng 200.000 NDT).

Nhiều gia đình tại các làng quê ở Trung Quốc vì nôn nóng muốn cưới vợ cho con trai mà sa vào nợ nần.

Nhiều năm tích cóp, gia đình nhà trai mới đủ tiền mua một căn nhà để đáp ứng điều kiện được cưới, còn các chi phí khác trong lễ kết hôn thì phải vay mượn, thậm chí có địa phương còn xuất hiện dịch vụ cho vay nặng lãi để tổ chức cưới. Ông Ngô Trung Dân, trưởng khoa Xã hội học thuộc Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết: “Giá  “trên trời” của lễ vật cưới đã khiến nhiều gia đình nông dân lâm vào cảnh khốn khó. “Có xe có nhà, trong nhà còn phải có 2 con trâu vàng” – ý nghĩa của quan niệm này là ngoài việc có nhà và có xe - điều kiện cần thiết để cưới, bố mẹ nhà trai còn cần phải khỏe mạnh như “trâu” để làm ruộng kiếm tiền. Tại các huyện ở phía nam tỉnh Hà Nam, “làm việc, tích tiền cho con trai lấy vợ” đã trở thành mục tiêu sống của các gia đình ở nông thôn”.

Do lễ vật cưới quá nặng gánh với nhiều gia đình, nên đã có không ít bị kịch xảy ra. Tại tỉnh Tứ Xuyên, một chàng trai họ Tôn đã lấy cắp 50.000 NDT để có tiền trang trải cho lễ cưới sắp tổ chức. Hậu quả của lệ thách cưới đã khiến hạnh phúc của đôi trẻ cũng như tương lai của một thanh niên kết thúc trong tù tội.