“Chung cư” dưới gầm cầu

ANTĐ - Từ trên cao, đó là một cây cầu bình thường giữa đô thị, có 6 làn xe lưu thông, kết nối hai quận sầm uất nhất của thành phố Jakarta, Indonesia với 9,6 triệu dân. Nhưng đặc biệt ở chỗ, bên trong cầu Kuningan, chính xác là trong các dầm cầu có khoảng 100 người đang trú ngụ. Nhiều người lái xe hoặc đi bộ qua đây nhiều năm nhưng cũng khó nhận ra sự tồn tại của “khu chung cư” này.

Khó có thể hình dung dưới gầm cầu này lại là nơi sinh sống của gần 100 người

“Khoảng lặng” giữa đô thị

Cầu Kunigan nối một bên là khu thương mại Kuningan gồm các căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao và các đại sứ quán với bên kia là Menteng, được mệnh danh là khu Beverly Hills của Jakarta , nơi có những biệt thự cũ từ thời thuộc địa Hà Lan hiện là nơi ở của giới ngoại giao, các quan chức cấp cao và các cư dân giàu có nhất Thủ đô. 

Xuống dưới gầm cầu, người ta phải mất một thời gian mới quen được với tiếng rung lắc không ngừng của xe cộ phía trên. Khi đèn giao thông đổi màu, những chiếc xe gắn máy lao lên, động cơ rít lên như bầy ong vỡ tổ. Nếu xe tải hay xe buýt đi qua, các căn phòng lắc lư chao đảo. Trời mưa, nhiệt độ và độ ẩm ở khu vực này gần như không thể chịu nổi, bởi dưới chân cầu là một chiếc đầm hôi hám đầy muỗi. Không có được vẻ thơ mộng của khu nghỉ mát ven sông bình dị nhưng cư dân ở đây dường như không để tâm, họ vẫn tự hào về “ngôi nhà” của mình.

Ông Karno, người quê Brebes, miền trung Java đã sống ở đây 30 năm. Ông kể, ngày đầu tiên tới đây ở, cả khu này không có gì ngoài những bức tường bê tông thành cầu. “Hiện giờ chúng tôi biến nó thành một thị trấn ổ chuột”, ông nói. Khu cư dân này giờ có cả nhà vệ sinh và phòng tắm dưới cầu, cách đây 5 năm, người ta cũng đã xây một nhà thờ Hồi giáo nhỏ. 

Từ lối vào, qua cầu thang, ông Karno đến một căn phòng cách mặt đất khoảng 3m, đây là phòng sinh hoạt chung với hơn một chục công nhân làm ca đêm nằm ngủ, chơi cờ hoặc xem TV. “Phòng khách” này được lát sàn gỗ, có trang bị cả tivi, loa đài, quạt, đèn. Điện thì được “câu” từ dây cấp cho đèn đường. Trước năm 2012 , nhiều người muốn vào được “nhà” phải leo thang từ phía dưới lên, nhưng mùa mưa, nước ngập thì không thể trèo lối này được, vả lại “dễ lộ” với những ai tò mò đi qua.

Còn hơn phải thuê nhà

Hầu hết những người lao động này làm việc cho một nhà thầu phụ của chính phủ và được chủ bố trí cho ở đây. Chính quyền địa phương cho biết, họ không có trách nhiệm với những công nhân này. Và do đó, những cư dân này cứ “tự nhiên” cải tạo. Người có chút tiền đã xây được phòng riêng, ai không đủ khả năng thì sống chung. 

Khoảng 70 người sống ở đầu cầu phía Menteng làm cho công ty công viên của thành phố. Phía cầu bên kia lại là “đại bản doanh” của những nhân công ngành vệ sinh. Ở đây có rất ít phụ nữ và trẻ em vì đơn vị chủ quản cấm mang gia đình theo, chỉ có ai có “đặc quyền” mới được sống gần vợ con. Karno tâm sự, cứ 2-3 tháng ông mới về quê thăm vợ và 3 người con một lần. 

Trong phòng khách, mọi người xem truyền hình và bàn luận về thời sự chính trị. Năm 2014 này là một năm có nhiều sự kiện quan trọng ở Indonesia với cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 và cuộc đua tranh Tổng thống vào tháng 7. Trong câu chuyện của họ, các cư dân này cho biết, mặc dù điều kiện sống không phải là lý tưởng, nhưng họ cũng vui vì chủ sử dụng lao động đã cho họ chỗ ở miễn phí. “Với chúng tôi thế này là đủ, còn hơn là phải trả tiền thuê nhà”, ông Fudoli, người làm vườn 43 tuổi nói. Mỗi ngày ông Fudoli kiếm được 70.000 rupiah (khoảng 6 USD) nhưng thường xuyên phải tăng ca, trong khi phải tiết kiệm tiền để gửi về cho gia đình.

Cũng giống như Fudoli, ông Karno và các công nhân còn lại đã coi đây là “đại gia đình” sau nhiều năm sống chung. Theo thống kê, mỗi năm có hàng chục nghìn người từ nơi khác đến Jakarta tìm việc. Ông Fudoli, đến từ Pemalang, miền trung Java khẳng định, ai cũng thích được sống ở làng, nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà phải đến Jakarta kiếm sống.