“Chính sách một người ra quyết sách của lãnh đạo Trung Quốc làm phức tạp ngoại giao”

ANTĐ - Ngày 9-7, tờ New York Times dẫn lời một số chuyên gia Mỹ và Trung Quốc cho rằng tất cả các quyết sách lớn gần đây của Trung Quốc về an ninh quốc gia và đối ngoại đều do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra mà ít tham vấn với các lãnh đạo khác của Trung Quốc. Và chính sách một người ra quyết sách của lãnh đạo Trung Quốc đã làm phức tạp ngoại giao.

Các quyết định như thành lập vùng nhận diện phòng không tại Hoa Đông hay đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam được cho là do chính ông Tập Cận Bình quyết định. Shi Yinhong, GS Đại học Nhân dân, cho rằng tư duy của Tập Cận Bình xuất phát từ ý thức về sự vĩ đại của Trung Quốc và sức mạnh của quân đội và từ đó chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ phản ánh cá tính và quan điểm của cá nhân Tập Cận Bình nhiều hơn. Trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc chỉ có ông Tập Cận Bình trực tiếp nắm về đối ngoại, ông được coi là “hoàng đế” trong khi 6 Ủy viên Thường vụ khác chỉ là “trợ lý”. 

Điều này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ Trung đang đứng trước một số vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của Đối thoại Chiến lược - Kinh tế đang diễn ra tại Bắc Kinh. Bắc Kinh dường như đang thách thức vị trí số 1 của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và tiến tới thiết lập một trật tự với trung tâm là Trung Quốc, thể hiện qua quan hệ Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây, việc Trung Quốc đẩy mạnh đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông và thành lập khu nhận diện phòng không tại Hoa Đông cuối năm ngoái. 

Do đó, quan hệ Mỹ - Trung trong hơn 1 năm qua xấu đi nhiều, tới mức cả hai bên đều không kỳ vọng gì nhiều tại đối thoại thường niên này. Quan hệ Mỹ - Trung đang bị đẩy theo chiều hướng tiêu cực, đẩy tới tình trạng cạnh tranh chiến lược ở mức độ chưa từng thấy, song hai bên dường như không thực sự muốn đảo ngược xu hướng này. Giáo sư Shi Yinhong cho rằng hầu như không có khả năng đối thoại Chiến lược - Kinh tế sẽ giúp cải thiện tình hình hiện nay.