Bắc Kinh cố tình thay đổi thực địa trên Biển Đông

ANTĐ - Trong khi thực hiện bước đi nguy hiểm khi xây dựng những công trình kiên cố trên đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa), thuộc chủ quyền của Việt Nam, thì Trung Quốc cũng ồ ạt tạo ra 5 hòn đảo mới trên 5 rạn san hô trên Biển Đông mà Philippines cùng tuyên bố chủ quyền. Mục đích của Trung Quốc trong việc này là gì và các nước trong khu vực nên ứng phó với tình huống này như thế nào, chuyên gia Gregory Poling, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) ở Mỹ có cuộc trao đổi với Hãng thông tấn Deutsche Welle của Đức.

Ảnh vệ tinh hồi tháng 8-2014 ghi lại được cảnh Trung Quốc cải tạo rạn san hô
thuộc quần đảo Trường Sa

- DW: Tại sao Trung Quốc lại xây đảo nhân tạo trên Biển Đông? 

- Gregory Poling: Trung Quốc chọn 5 địa điểm (gồm đảo, đá, đảo chìm) đều nằm trong khu vực trên Biển Đông mà Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc không phải là sự ngẫu nhiên. Có vẻ như Bắc Kinh đang cố tình thay đổi tình hình thực địa để làm cho mọi việc khó khăn hơn, khi tòa án quốc tế phải đưa ra quyết định đâu là tình trạng ban đầu của các thực thể địa lý tranh chấp này. Cũng có thể họ xây đảo để máy bay hoặc tàu tuần tra tiếp cận nhưng còn quá sớm để khẳng định như vậy. Tuy nhiên, cần phải gióng lên hồi chuông báo động cho các nước khác về những căn cứ quân sự mới ở Trường Sa. 

- Trung Quốc xây các đảo nhân tạo này trong bao lâu? 

- Các công trình xây dựng và cải tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa không phải là mới. Trung Quốc bắt đầu việc này tại Đá Vành khăn không lâu sau khi nước này đánh chiếm trái phép năm 1995. Điều cần nhớ là thời điểm Trung Quốc tiến vào quần đảo Trường Sa những năm 1980, khu vực này hầu như không có gì để chiếm giữ ngoài các đảo chìm, một vài tảng đá khô nhô lên. Quá trình cơ bản của việc mở rộng các thực thể địa lý này là nạo vét cát từ đáy biển và đổ vào các rạn san hô cạn xung quanh nền mà Trung Quốc dựng lên từ trước. Dần dần nó được nâng lên, phủ kín dấu tích ban đầu. Cát sau đó được xe ủi san phẳng. Một khi mảnh đất khai hoang mới hoàn thành, Trung Quốc sẽ lập hàng rào bê tông để chống xói mòn và bão, rồi bắt đầu xây dựng cơ sở mới như bến cảng, các công trình dân sự và quân sự, đường băng nhỏ…

- Về mặt pháp lý, nếu các hòn đảo này có người ở thì sẽ có sự khác biệt gì không?

- Câu trả lời là không. Trong khi xem xét chủ quyền đối với đảo nào đó, tòa án xét đến “ngày quan trọng” - thuật ngữ chỉ thời điểm mà tranh chấp giữa các nước phát sinh. Phần lớn các chuyên gia về luật pháp quốc tế đã đi đến kết luận rằng cải tạo hay xây dựng mới không thể thay đổi được trạng thái của một thực thể địa lý, nó chỉ có thể tạo ra một “hòn đảo nhân tạo” mà theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thì phần phát sinh không có đủ tư cách pháp lý. Tất nhiên, nếu cải tạo làm cho bất kỳ tòa án nào trong tương lai không thể xác định được tình trạng ban đầu thì chắc chắn Trung Quốc có thể cản trở quá trình pháp lý này.

- Liệu Trung Quốc có tạo ra tiền lệ đối với quần đảo Trường Sa? 

- Còn quá sớm để khẳng định điều này. Cho đến nay, các bên cùng tuyên bố chủ quyền khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam đều khẳng định mạnh mẽ rằng các công trình xây dựng đó của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. 

- Vậy các nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines có thể làm gì để đối phó với tình hình này? 

- Như cách họ đã làm: Nêu bật tính hợp pháp rõ ràng của họ cũng như lên án những hành vi vi phạm thỏa thuận và luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc. Cho đến khi vụ kiện của Philippines được giải quyết, chứng tỏ được những lợi ích về mặt pháp lý thì vũ khí tốt nhất chống lại Trung Quốc vẫn là kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, một điều mà Philippines và Việt Nam nên làm là phối hợp để ngắt mạch Trung Quốc trong việc che giấu hiện trạng, làm phức tạp tình hình tại các thực thể địa lý trên Biển Đông. Đó là khảo sát chính xác ngay từ bây giờ trước khi các công trình Trung Quốc cố tình cải tạo tiếp tục làm cho không thể xác định vị trí địa lý ban đầu.