Tổng thống Mỹ Obama công du châu Á:

7 ngày, 4 nước và chiến lược “xoay trục”

ANTĐ - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22-4 đã bắt đầu chuyến công du 7 ngày tới châu Á trong một động thái được cho là nhằm thể hiện quyết tâm của Washington tiếp tục chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương. Ông Obama dự kiến sẽ có chuyến thăm tới 4 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.
7 ngày, 4 nước và chiến lược “xoay trục” ảnh 1
Đây là chuyến công du thứ 5 của ông Obama tới châu Á
Đây là chuyến công du châu Á thứ 5 của ông Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ, diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang bận tâm về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Mặc dù sẽ không đặt chân tới Trung Quốc, nhưng cái bóng lớn của cường quốc kinh tế và quân sự này dự kiến nằm trong chương trình nghị sự giữa ông Obama và các lãnh đạo nước chủ nhà. Các quan chức Nhà Trắng bác bỏ ý kiến cho rằng chuyến thăm này nhằm mục đích kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời khẳng định đây là “chuyến thăm tích cực với một chương trình nghị sự tích cực”.  Về mặt kinh tế, ông Obama sẽ thúc đẩy việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và 11 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được gọi tắt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với thỏa thuận này, Mỹ sẽ thúc đẩy xuất khẩu ô tô và các mặt hàng khác sang thị trường châu Á và tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ. Ước tính, TPP có thể tăng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ lên hơn 120 tỷ USD mỗi năm.  Hiện quân đội Mỹ có hơn 80.000 binh sĩ triển khai tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm 28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc và 38.000 lính tại Nhật. Trong chuyến công du lần này, ông Obama sẽ khẳng định cam kết của quân đội Mỹ đối với an ninh khu vực.  Khi tới thăm Malaysia, mặc dù nước này không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng ông Obama dự kiến sẽ nêu bật sự hợp tác quân sự gần đây giữa hai nước trong việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bị mất tích. Đây cũng sẽ là chuyến thăm lịch sử, lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tới Malaysia trong gần 50 năm qua, kể từ khi Tổng thống Johnson đặt chân tới nước này vào năm 1966.  Chặng dừng chân cuối cùng của ông Obama sẽ là nước đồng minh lâu năm Philippines. Tại đây, ông Obama và lãnh đạo nước chủ nhà dự kiến sẽ thảo luận về việc tăng cường sự hợp tác quốc phòng giữa hai nước giữa lúc Trung Quốc ngày càng tỏ ra mạnh bạo tại Biển Đông. Một sự trùng hợp kỳ lạ đó là tất cả 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines mà ông Obama sẽ tới thăm đều trải qua thảm kịch quốc gia trong những năm gần đây. Năm 2011, Nhật Bản trải qua thảm họa động đất sóng thần, còn Philippines phải hứng chịu siêu bão Haiyan hồi năm ngoái khiến hơn 6.000 người thiệt mạng. Hai thảm kịch khác cũng xảy đến với Malaysia và Hàn Quốc: đó là sự biến mất bí ẩn của chiếc máy bay MH370 thuộc Hãng hàng không Malaysia Airlines và vụ chìm phà thảm khốc tại Hàn Quốc hiện vẫn đang thu hút sự chú ý của thế giới. Theo các quan chức chính quyền Mỹ, ông Obama sẽ nêu bật sự hỗ trợ nhân đạo của Mỹ trong mỗi thảm kịch trên.