Sản xuất nấm rơm bằng thuốc Trung Quốc "mập mờ"

ANTĐ - Đội Thanh tra chuyên ngành số 3, Sở NN&PTNT phối hợp với Đội An ninh nông nghiệp, phòng An ninh kinh tế, CATP.Hà Nội vừa phát hiện một cơ sở trồng nấm rơm vi phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất nấm Trần Khánh Ly, xã Tàm Xá, Đông Anh đang hoạt động sản xuất nấm, song chưa xuất trình được bất cứ hồ sơ pháp lý nào liên quan đến hoạt động sản xuất nấm tại đây.

Cụ thể, cơ sở này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; không khám sức khỏe định kỳ cho công nhân; không tập huấn về ATTP cho công nhân; không công bố tiêu chuẩn theo quy định.

Kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở sử dụng 4 loại  thuốc Trung Quốc, ngoài danh mục, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt để trồng nấm, gồm 25 lọ, 127 gói thuốc bột và 600 ống thuốc nước.

Đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở trồng nấm Trần Khánh Ly sử dụng một lao động người Trung Quốc không có giấy tờ hợp pháp. Được biết, công nhân này được cơ sở thuê để sang hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm tại đây.

Nguyên liệu dùng để trồng nấm

Theo biên bản tường trình của bà chủ Trần Khánh Ly, cơ sở sản xuất nấm Trần Khánh Ly có diện tích gần 9.000m2, từ đầu năm 2012 bắt đầu đưa vào hoạt động trồng nấm. Sản phẩm nấm rơm của cơ sở được bán buôn ra nhiều chợ trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó có chợ đầu mối Long Biên.

Cũng theo tường trình của bà Ly, 4 loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ mà đoàn kiểm tra thu giữ tại cơ sở sản xuất nấm được bà mua tại cửa khẩu biên giới. “Vì nghĩ là mua với số lượng ít và thuốc dành cho nông nghiệp nên tôi cũng không làm thủ tục nhập khẩu”, bà Ly lý giải.

Trong 4 loại thuốc nói trên có 2 loại thuốc dùng để diệt trừ sâu bệnh, chỉ được phun ở ngoài môi trường xung quanh nhà trồng nấm, phun trong phòng trồng nấm khi đã thu hái và ra nguyên liệu. 1 loại để sát trùng dụng cụ và 1 loại để pha vào nước phun vào nguyên liệu trồng nấm nhằm tăng chất dinh dưỡng. Song bà Ly cho rằng, rất ít khi sử dụng loại thuốc này!?

Giống nấm được chủ cơ sở cho biết, hoặc tự sản xuất hoặc mua tại Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.

Mặc dù cơ sở sản xuất nấm từ dầu năm 2012 và đã bán ra thị trường nhưng bà Ly thừa nhận, cơ sở chưa có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh nấm ăn.

Các loại thuốc Trung Quốc ngoài danh mục, được cơ sở Trần Khánh Ly
dùng để sản xuất nấm rơm

Đoàn kiểm tra đã niêm phong toàn bộ số thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 24 triệu đồng, đồng thời yêu cầu cơ sở sản xuất nấm Trần Khánh Ly khẩn trương khắc phục vi phạm.

Gần đây, liên tiếp những vụ việc ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong có liên quan đến nấm ăn không khỏi khiến người tiêu dùng lo lắng. Trong khi đó, phần lớn nấm bán trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.