Không phải cứ bị chó cắn là tiêm văcxin dại

Bác sĩ ở các điểm tiêm dại đã từ chối tiêm ngay cho nhiều người bị chó mèo cắn, và dặn theo dõi con vật trong 15 ngày.

Không phải cứ bị chó cắn là tiêm văcxin dại

Bác sĩ ở các điểm tiêm dại đã từ chối tiêm ngay cho nhiều người bị chó mèo cắn, và dặn theo dõi con vật trong 15 ngày.

Cần tiêm phòng dại cho chó nuôi.

Cần tiêm phòng dại cho chó nuôi.

Tiến sĩ Đinh Kim Xuyến, Phó chủ nhiệm Chương trình phòng chống bệnh dại, khuyến cáo, khi bị súc vật nghi dại cắn, cần sơ cứu và đến các điểm tiêm phòng. Sau khi khám và hỏi han kỹ, bác sĩ sẽ chỉ định là tiêm văcxin hay không.

Sẽ phải tiêm ngay nếu:

- Con vật lên cơn hoặc có biểu hiện nghi dại.

- Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị sây sát nhẹ.

- Có nhiều vết cắn nguy hiểm, sâu.

- Không theo dõi được con vật.

- Tại nơi bị cắn có súc vật bị dại.

Trong các trường hợp sau, bác sĩ sẽ không tiêm mà dặn bệnh nhân theo dõi con vật trong 15 ngày:

- Vết cắn nhẹ, xa não.

- Con vật vẫn sống bình thường khỏe mạnh.

- Không phát hiện bệnh dại ở súc vật trong khu vực.

Theo tiến sĩ Xuyến, nhiều trường hợp chó cắn ngoài quần bò, tuy trên da vẫn có vết xước nhưng cũng không cần tiêm vì không bị virus xâm nhập. Trong thời gian theo dõi, nếu con vật bị ốm, bỏ ăn, chết, mất tích hay bị bán, mổ thịt thì cần đi tiêm. Sau 15 ngày, nó vẫn sống khỏe mạnh thì có thể yên tâm.

Những câu hỏi thường gặp về bệnh dại

Sẽ không thiếu văcxin dại

Tiến sĩ Đinh Kim Xuyến cho biết trong vòng 1-2 ngày tới, 12.000 liều văcxin dại tế bào sẽ được bổ sung cho các điểm tiêm. Trong vòng tháng 7, sẽ có 150.000 liều, chắc chắn không thể thiếu vì nhu cầu tiêm phòng dại mỗi năm cũng chỉ 500.000 liều. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ cung ứng khoảng 700.000 liều, và sẽ đàm phán để nhập văcxin bán thành phẩm nhằm giảm chi phí.
Trong khi chưa có văcxin bổ sung, trong trường hợp cần kíp có thể tiêm văcxin Fluenzalia. Tuy nhiên, không nên tiêm sản phẩm này cho người có cơ địa dị ứng. Sau tiêm, cần theo dõi, nếu có phản ứng khác lạ (ngứa, sưng, tấy đỏ nơi tiêm, sốt, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt...) thì báo với bác sĩ để xử lý. Thường các phản ứng này xuất hiện từ mũi thứ ba.

- Có cần đi tiêm không nếu bị chó mèo đã tiêm phòng dại cắn?

Chưa ai dám khẳng định súc vật đã tiêm phòng thì không bị bệnh dại. Vì vậy, bệnh nhân vẫn phải xử trí tại chỗ vết thương ngay và đến các điểm tiêm dại để được bác sĩ khám và chỉ định cụ thể.

- Cách xử trí tại chỗ như thế nào?

Rửa ngay thật kỹ vết thương bằng xà phòng đặc, nước muối đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn và iốt đậm đặc nhằm sát khuẩn, giảm thiểu lượng virus dại ở vết thương. Không làm dập nát vết thương và chỉ khâu trong 3-5 ngày.

- Chó, mèo con mới đẻ có thể mắc bệnh dại không?

Nếu chó và mèo mẹ không được tiêm phòng dại thì con chúng có nguy cơ nhiễm virus này sau đẻ vài tuần.

- Có thể làm thịt chó, mèo dại để ăn không?

Khi con vật đã bị dại thì trong tuyến nước bọt và các dây thần kinh đều có virus dại, các bộ phận khác cũng có thể chứa virus nên rất nguy hiểm. Tuyệt đối không dùng làm thức ăn cho người và gia súc.

- Thuốc Nam có chữa được bệnh dại?

Không. Biện pháp duy nhất để cứu người bị súc vật dại cắn là tiêm văcxin và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Khi đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong.

theo vnexpress