Biến hơi thở thành lời nói

ANTĐ - Arsh Shah Dilbagi, một học sinh trung học phổ thông Ấn Độ đã phát minh ra thiết bị cầm tay giá rẻ có thể biến hơi thở thành lời nói. Phát minh này của Dilbagi sẽ giúp những người khuyết tật, mất khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ như hội chứng Parkinson, ALS (bệnh thoái hóa thần kinh) có thể giao tiếp bình thường nhờ vào chính hơi thở của mình.

Anh Arsh Shah Dilbagi với phát minh của mình

Ước mơ thuở thiếu thời 

Dilbagi năm nay 16 tuổi, ở khu vực Panipat, bang Haryana, miền Bắc Ấn Độ. Cha của Dilbagi, ông Amit cho biết, ngay từ thuở nhỏ con trai ông đã có những ước mơ sẽ làm được điều gì đó có ích cho nhân loại, đặc biệt là giúp đỡ những người khuyết tật. Hiện vẫn đang là một  học sinh trung học, nhưng Dilbagi đã khiến cho nhiều người biết đến khi cậu là thí sinh duy nhất đến từ châu Á lọt vào vòng chung kết Hội chợ Khoa học Google lần thứ 15 năm 2014, một cuộc thi khoa học dành cho các nhà phát minh có độ tuổi từ 13-18. 

Thiết bị phát minh của Dilbagi được cộng đồng thế giới và các nhà khoa học đang rất quan tâm có tên là Talk, nó có thể chuyển các tín hiệu của hơi thở thành lời nói bằng cách sử dụng sự hỗ trợ của mã Morse (một loại mã hóa ký tự dùng để truyền tải các thông tin điện báo). Dilbagi chia sẻ, hiện có khoảng 1,4% dân số toàn cầu  bị mắc phải một số chứng bệnh khiến họ bị tê liệt và gặp phải rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Do đó, một thiết bị hỗ trợ giao tiếp cho họ là rất cần thiết. Dilbagi đã phải mất 3 tháng để nghiên cứu, phát triển ý tưởng của mình thành hiện thực và phải mất đến 7 tháng để xây dựng thành công nguyên mẫu cơ bản của Talk. Trong đó, thiết bị quan trọng nhất mà Dilbagi sử dụng là một vi điều khiển Arduino có giá khoảng 25 USD. Tổng chi phí cho phát minh của Dilbagi khoảng 80 USD, rẻ hơn khoảng 100 lần so với các thiết bị của Intel chế tạo cho Stephen Hawking.

Chỉ dựa vào hơi thở ngắn, dài

Talk sẽ chuyển những tín hiệu của hơi thở thành những tín hiệu điện bằng cách sử dụng một thiết bị hỗ trợ đặc biệt có tên là MEMS Microphone được đặt ngay dưới mũi. Chiếc Microphone này sẽ được lắp một màng nhạy áp được gắn trực tiếp lên một vi mạch silicon và một thiết bị khuếch đại âm thanh hơi thở của người sử dụng. Nhờ có độ nhạy cao nên nó có thể phân biệt được 2 loại hơi thở ngắn và dài. Sau đó, vi điều khiển Arduino sẽ dịch những hơi thở ngắn, dài sang những dấu chấm, gạch trong mã Morse cho phép người dùng có thể đánh vần một từ với vài hơi thở. Tiếp theo, những mã này lại được chuyển tới một bộ xử lý tổng hợp giọng nói để phát ra những lời nói theo yêu cầu của người sử dụng. Thậm chí nó có thể dịch sang tiếng Anh, sang những lệnh khác hay cụm từ cụ thể hơn. Ngoài ra, thiết bị Talk còn có thể “nói” được 9 loại ngôn ngữ khác nhau. 

Dilbagi đã có những buổi làm việc với các nhà thần kinh học ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) để thử nghiệm thiết bị này trên một bệnh nhân Parkinson và Talk đã chứng minh rằng nó hoạt động rất hiệu quả và thành công. Dự kiến, trong tương lai, nhà phát minh Dilbagi còn bổ sung thêm tính năng tự động đoán từ cho thiết bị này và có thể tích hợp tính năng của Talk vào trong những ứng dụng của Google Glass, sớm mang lại những thiết bị hỗ trợ tiện dụng mới cho những người khuyết tật trên thế giới.