Ucraine chông chênh giữa 2 bờ lợi ích

ANTĐ - Tổng thống tạm quyền Ucraine - Oleksandr Turchynov đã công bố một “chiến dịch chống khủng bố” nhằm vào những người biểu tình đã chiếm nhiều tòa nhà hành chính và an ninh ở miền đông Ukraine. Quyết định này được đưa ra sau khi giám đốc CIA John Brennan đã bí mật đến Kiev gặp Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk và Phó Thủ tướng thứ nhất Vitaliy Yarema.

Khoảng 500 binh sĩ, nhiều vũ khí hạng nặng và các phương tiện quân sự như xe bọc thép, máy bay của quân đội Ukraine tiến vào hai thành phố Kramatorsk và Slavyansk. Súng đã nổ tại một sân bay địa phương khiến ít nhất 4 người chết và một số khác bị thương. Như vậy, thấy rằng CIA đã can thiệp sâu vào quốc gia này. Chính phủ tạm quyền Kiev được những sự hậu thuẫn rõ nét, đã mạnh tay hơn trong việc đàn áp các cuộc biểu tình tại miền Đông.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự hậu thuẫn mà “Chiến dịch chống khủng bố của Kiev” nhận được từ Nhà Trắng khó có thể chuyển thành một sự hỗ trợ về quân sự từ phương Tây. Mỹ đã từ chối cung cấp các vũ khí sát thương, khí tài quân sự cho quân đội Ucraine. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thể đưa quân vào đây mà chỉ có thể tăng cường triển khai các lực lượng hải, lục, không quân tới Đông Âu để ứng phó với cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng tại Ukraine, nhằm trấn an các thành viên thuộc khối. Liên hợp quốc tuyên bố không đưa lực lượng” mũ nồi xanh” vào giám sát ở Ucraine. Cũng phải thấy, Nga sẽ không thể ngồi im nếu có chuyện gì đó xảy ra ở Ukraine. Nga và Ukraine là 2 nước có những sợi dây ràng buộc về văn hóa, chính trị, gia đình xuyên qua hàng thế kỷ. Ngay cả khi tổng thống Putin nói rằng ông sẽ không sử dụng đến các giải pháp mạnh kiểu như đưa quân sang khi xảy ra đổ máu ở Ukraine, thì cũng sẽ có những người Nga tình nguyện vượt biên giới, sang sánh vai chiến đấu cùng với những người Ukraine gốc Nga. Đó sẽ là tình huống rất nguy hiểm. 

Cho đến nay, những người biểu tình ở Đông Nam Ukraine khẳng định mục tiêu của họ không phải là sáp nhập vào Nga, mà là muốn có một hệ thống liên bang và họ có chính quyền riêng ở vùng Donbass.. Ngày 16-4, Phong trào ủng hộ liên bang hóa miền Đông Nam Ukraine đã đưa ra các điều kiện với chính phủ tạm quyền Kiev, bao gồm cải cách hiến pháp và chuyển Ukraine thành nhà nước liên bang. Ở một khía cạnh khác, Jon Hellevig, một nhà quản lý của Tập đoàn Awara có trụ sở tại Moskva và là đồng tác giả của cuốn sách: “Nước Nga mới của Putin” cho rằng “Sẽ không có bất kỳ cuộc nội chiến nào ở Ukraine. Những người Nga ở khu vực phía đông và phía nam Ukraine sẽ sớm tiếp quản chính quyền địa phương và sẽ không có xung đột quy mô lớn”.

Kết quả cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đại diện của Ukraine được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 17-4 chưa đưa lại điều gì sáng sủa. Có thể thấy, quyết tâm di chuyển lực lượng của Kiev đồng nghĩa với một thực trạng, Kiev không thể công nhận yêu cầu tự trị của khu vực này, đồng nghĩa với việc không trưng cầu dân ý, không thay đổi thể chế, không chấp nhận thành lập liên bang. Điều này đồng nhất với mong muốn và mục đích của Mỹ - EU, nhưng đi ngược lại với mong muốn của nước Nga, khi khẳng định liên bang là giải pháp tốt nhất vào thời điểm này cho Ukraine. Ngoài ra, một vấn đề ảnh hưởng nặng nề đến cuộc đàm phán này, là Nga yêu cầu Ukraine công bố kế hoạch thanh toán các hóa đơn bán năng lượng và những khoản nợ khác. Tuy nhiên, Ukraine không có kế hoạch, mà nói thẳng là không có khả năng trả nợ. Còn EU và Mỹ chưa sẵn sàng móc hầu bao trả nợ thay cho người bạn mới Kiev.

Việc đối lập về quan điểm giữa Moscow – Kiev là đại diện cho việc mâu thuẫn mục đích, lợi ích giữa Nga – phương Tây, mà cụ thể là Mỹ. Cho đến lúc này, các thế lực chưa tìm được tiếng nói chung cho lợi ích của họ. Bản thân Nga cũng không muốn một khu vực bất ổn ngay trước cửa ngõ của mình. Còn Mỹ không muốn sa lầy ở một địa điểm mới, trong khi bãi lầy Trung Đông còn chưa giải quyết xong, và Washington còn đang có mối quan tâm lớn ở châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc đàm phán tại Geneva giữa bốn bên Nga, Mỹ, EU, chính phủ tạm quyền Kiev là cơ hội mở ra một giải pháp triệt để cho tình hình Ukraine. Tuy nhiên, “đây chỉ là một cơ hội, không phải bước đột phá và chắc chắn không phải sự đảm bảo cho một thỏa thuận hòa bình” như Ngoại trưởng Đức Steinmeier đã phải thừa nhận. Chưa biết rồi Ucraine sẽ đi đến đâu khi chưa tìm ra được giải pháp dung hòa lợi ích của các bên. Và câu hỏi đặt ra là bước tiếp theo của Nga, Mỹ tại vùng đất này sẽ thế nào? Câu trả lời sẽ chỉ có sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25-5 tới.