Trung Quốc tố Nhật “bê” ADIZ tận cửa Trung Quốc, “nuốt” mỏ dầu Xuân Hiểu

ANTĐ - Thời gian qua, những căng thẳng xuất phát từ việc Trung Quốc đơn phương hoạch định “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) đã làm nóng dư luận quốc tế. Nhật Bản cũng đã từng tuyên bố, nếu UAV Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không của mình họ có thể bắn hạ nó. Vậy ADIZ của Nhật Bản được quy hoạch như thế nào?

Theo số liệu công bố ngày 09-10 của Nhật Bản, nửa đầu năm 2013, các máy bay của lực lượng tự vệ trên không nước này đã phải cất cánh khẩn cấp 308 lần, trong đó đối phó với máy bay Trung Quốc là nhiều nhất với 149 lượt, lần đầu tiên đã vượt qua số vụ ngăn chặn máy bay Nga.

Tháng 1 năm nay, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsuinori Odonera tuyên bố, Nhật có thể áp dụng biện pháo bắn đạn pháo sáng cảnh cáo đối với máy bay Trung Quốc. Đến tháng 9, Bộ Quốc phòng Nhật lại đe dọa, nếu như các máy bay không người lái Trung Quốc xâm phạm không phận nước này thì họ sẽ có thể bắn hạ chúng.

Bắc Kinh cho rằng, Tokyo liên tục “sáng tác” các tình huống máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận của họ, cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không” này nằm rất xa lãnh thổ của Nhật, không những bao trùm cả không phận khu vực Senkaku/Điếu Ngư mà còn phủ kín cả mỏ dầu Xuân Hiểu của Trung Quốc. Tuy nhiên, là một nước bại trận từ sau thế chiến thứ 2, làm sao Nhật Bản lại xây dựng được “Vùng nhận dạng phòng không” lớn đến như vậy?

Trung Quốc tố Nhật “bê” ADIZ tận cửa Trung Quốc, “nuốt” mỏ dầu Xuân Hiểu ảnh 1

"Vùng nhận dạng phòng không" của Nhật Bản bị Trung Quốc tố là bao trùm mỏ dầu Xuân Hiểu của Trung Quốc


Từ sau khi Nhật đầu hàng đồng minh năm 1945, Mỹ là nước quy hoạch ADIZ xung quanh Nhật Bản, vùng này do quân đội Mỹ thường trú tại nước này kiểm soát. Đến năm 1969, để thoát khỏi vũng lầy chiến tranh Việt Nam, Nixon chủ trương thu hẹp chiến lược châu Á-Thái Bình Dương nên đã ra lệnh cho quân đội Mỹ thường trú tại Nhật giao lại quyền kiểm soát “Vùng nhận dạng phòng không” cho nước sở tại.

Theo ông Dương Bá Giang, phó viện trưởng Viện nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Khoa học-Xã hội Trung Quốc, sau khi tiếp quản quyền kiểm soát ADIZ năm 1969, Tokyo không ngừng đơn phương mở rộng “Vùng nhận dạng phòng không”. Lần thứ nhất là vào tháng 5 năm 1972, lần thứ 2 là vào năm 2010, đều là những hành động bành trướng về phía tây, cách điểm gần nhất ở Chiết Giang vẻn vẹn 130km.

Ông Dương Bá Giang chỉ ra, những hành động này chẳng khác gì đem “Vùng nhận dạng phòng không” của mình đặt trước cửa nhà người khác. Nhật Bản không ngớt "rêu rao" là tiếp quản ADIZ từ tay người Mỹ, đây là những “bịa đặt trắng trợn, tùy tiện, bất hợp lý và phi pháp” - vị phó viện trưởng Viện nghiên cứu Nhật Bản của Trung Quốc nhấn mạnh.

Trung Quốc tố Nhật “bê” ADIZ tận cửa Trung Quốc, “nuốt” mỏ dầu Xuân Hiểu ảnh 2

Khu vực giao cắt giữa 2 “Vùng nhận diện phòng không” Trung-Nhật (đường màu đỏ của Trung Quốc, đường màu đen của Nhật Bản)


Theo giới truyền thông nước ngoài, để giám sát có hiệu quả “Vùng nhận dạng phòng không” của mình, Nhật đã không tiếc nhân lực, vật lực, vận dụng rất nhiều biện pháp nhằm xác định các phương tiện bay không rõ lai lịch xâm nhập vào khu vực này. Hiện họ đã triển khai tới 7 trạm radar EPS3 dọc theo chiều dài đất nước, đồng thời xây dựng hàng loạt các trạm chặn thu thông tin tàu chiến, máy bay của đối phương.

Áp dụng các quy định trong điều 84 “Luật quốc phòng Nhật Bản”, đối với các mục tiêu khả nghi xâm phạm vào ADIZ, thậm chí là không phận nước mình, Nhật sẽ áp dụng trình tự xử lý sau đây: thăm dò tín hiệu radar, đối chiếu đường bay, gọi khẩn cấp, máy bay cất cánh khẩn cấp, máy bay phát tín hiệu cảnh cáo vô tuyến điện, máy bay lắc cánh để cảnh cáo, bắt hạ cánh, bắn đạn tín hiệu cảnh cáo. Thông thường khi máy bay, tàu chiến hoặc lãnh thổ bị tấn công, lực lượng tự vệ Nhật Bản sẽ triển khai hành động “tác chiến tự vệ”.

Cả Moscow và Bắc Kinh đều không công nhận cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không” Tokyo đặt ra, vì họ coi đó không phải thuộc không phận của Nhật. Viên Thiếu tướng hải quân Trung Quốc nổi tiếng diều hâu là Trương Triệu Trung đã từng tuyên bố: “Đảo Điếu Ngư là trọng điểm thuộc lãnh hải của Trung Quốc, không liên quan gì đến Nhật Bản. Tại biển Hoa Đông, máy bay chúng ta có thể bay thoải mái bên ngoài không phận thuộc lãnh hải Okinawa, đó là điều hoàn toàn hợp pháp”.

Trung Quốc tố Nhật “bê” ADIZ tận cửa Trung Quốc, “nuốt” mỏ dầu Xuân Hiểu ảnh 3

Máy bay chiến đấu F-4EJ của Nhật đã từng "dằn mặt" máy bay Liên Xô


Trương Triệu Trung cho biết, theo tuyên bố của Nhật Bản, nếu máy bay chiến đấu hoặc máy bay không người lái của Trung Quốc bay vào không phận khu vực đảo Điếu Ngư/Senkaku, phía Nhật Bản có thể áp dụng trình tự xử lý trên, nhưng họ không dám nổ súng bởi vì việc sử dụng vũ lực không phải là vấn đề đơn giản, phải hết sức thận trọng.

Đơn cử ví dụ ngày 9-12-1987, 4 chiếc máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô áp sát khu vực Okinawa, Nhật Bản đã khẩn cấp điều động 4 chiếc F-4EJ lên ngăn chặn, nhưng 1 trong số 4 chiếc Tu-16 vẫn tiếp tục bay vào không phận giữa Okinawa và Toku-no-shima. Máy bay F-4EJ của Nhật bám đuôi và lập tức phóng đạn pháo sáng để ép chiếc máy bay Nga quay ra, chứ hai bên chưa thực sự nổ súng cảnh cáo lẫn nhau.