Trung Quốc tăng cường an ninh quân sự trên biển, tiềm ẩn nguy cơ xung đột

ANTĐ - Chuyên gia quốc phòng Philippines nhận định luật tăng cường an ninh quân sự trên biển của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1-8, tiềm ẩn nguy cơ gây ra xung đột trong khu vực.

Trung Quốc ban hành luật Bảo vệ cơ sở quân sự trên biển Đông

Ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết Philippines đang theo dõi sát sao và nghiên cứu xem đạo luật nói trên sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với nước này, theo trang tin Inquirer.net (Philippines) ngày 7-7.

Trước đó, tờ South China Morning Post đưa tin, vào hôm 27-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã ban hành luật Bảo vệ cơ sở quân sự, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8.

Tàu hải giám Trung Quốc mở hết tốc lực truy cản tàu cảnh sát biển Việt Nam. 

Đạo luật này là phiên bản mới của một bộ luật ban hành hồi năm 1990, vốn không bao gồm quy định bảo vệ các sân bay, đài phát thanh và vùng biển cấm. Đạo luật bổ sung nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt thủy hải sản và các công trình xây dựng dân sự tại “vùng biển cấm”.

Đối với quy định về gián điệp ngoại quốc, đạo luật mới bổ sung thêm một số điều khoản siết chặt kiểm soát các cơ sở dân sự tọa lạc gần các khu vực phòng thủ ven biển, bao gồm quy định nghiêm cấm các chuyến bay thấp ngang qua các vùng cấm.

Tuy nhiên, bản tin của South China Morning Post không cho biết cụ thể luật mới sẽ được áp dụng ở những vùng biển nào của Trung Quốc.

Ông Rommel Banlaoi, chuyên gia quốc phòng Philippines, nhận định rằng những động thái như thế này có thể làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông.

Theo ông Banlaoi, nếu Trung Quốc áp dụng luật này trong phạm vi “đường lưỡi bò” (hiện đã trở thành đường 10 đoạn) - vùng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền nuốt trọn gần hết biển Đông, thì rất có nguy cơ dẫn đến xung đột. Khi đó Trung Quốc có thể điều động quân đội để thi hành luật, chuyên gia này cảnh báo.

Ông Banlaoi cho rằng Trung Quốc phải nhận diện rõ “vùng biển cấm” mà nước này đề cập trong luật.

Với việc đạo luật mới không nói rõ sẽ được áp dụng ở những vùng biển nào, giới phân tích dự báo chính sự mập mờ này sẽ càng đẩy các ngư dân của Việt Nam hay bất kỳ một nước thứ ba nào khác vào tình thế nguy hiểm khi đánh bắt trên biển Đông.

Giáo sư Zachary Abuza (Mỹ) nhận định khi đạo luật này có hiệu lực, sẽ có thêm nhiều vụ quấy rối, giam giữ ngư dân Việt Nam hay bất kỳ một nước nào khác. Đây là những động thái được tính toán rất kỹ của Trung Quốc và họ cũng biết chắc rằng nếu có ngang nhiên hành động thì Mỹ cũng sẽ chẳng thể can thiệp.

Trong tình hình đó, các chuyên gia khuyến cáo tàu bè Việt Nam và các nước tránh hoạt động riêng lẻ để giảm thiểu những thiệt hại có thể phải gánh chịu từ các hành vi trên biển của Bắc Kinh.

Cu Ba: Trung Quốc đang hành động sai lầm tại biển Đông

Ông Rivislei Gonzalez Saez, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba, nhận định rằng Trung Quốc đã hành động sai lầm tại biển Đông.
Theo ông Saez, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trước đó, Trung Quốc cũng gây xung đột với Philippines trong vấn đề tranh chấp biển đảo, đồng thời gây ra mối quan ngại sâu sắc với Hàn Quốc và Nhật Bản khi đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
Chuyên gia Saez nhấn mạnh Trung Quốc đề nghị giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, nhưng lại có những hành động đi ngược lại lời nói của chính mình. Điều này gây quan ngại sâu sắc đối với các quốc gia có liên quan, các nước khác trong khu vực cũng như Mỹ.
Trên thực tế, điều mà Trung Quốc làm đối với các quốc gia láng giềng đã gây lo ngại, căng thẳng, bất ổn và đặt các quốc gia láng giềng trong tình trạng cảnh giác. Do đó, sự phản kháng của các quốc gia láng giềng sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ông cho rằng những căng thẳng mà Trung Quốc gây ra với Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng, bất chấp các lợi ích có liên quan của Bắc Kinh.
Trung Quốc tăng cường an ninh quân sự trên biển, tiềm ẩn nguy cơ xung đột ảnh 2
Cận cảnh tàu Trung Quốc đâm tàu thực thi pháp luật của Việt Nam

Tiêu cực hơn chính là cách hành xử của Trung Quốc với việc phát động một chiến dịch tuyên truyền hung hăng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tấn công Việt Nam.
Theo ông Saez, lập trường của Bắc Kinh cần mang tính xây dựng và cân nhắc kỹ. Cho dù thế giới có thể tràn ngập thông tin, nhưng sự thật sẽ luôn được tôn trọng. Mỗi ngày sẽ có thêm hàng nghìn trí thức, nhà ngoại giao, quân nhân và nhân dân trên thế giới hiểu và lên tiếng bảo vệ quyền lợi của Việt Nam.
Việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lụa địa của Việt Nam là một hành động sai lầm của Trung Quốc. Đó không còn là vấn đề của Việt Nam hoặc của Đông Nam Á mà là vấn đề cả thế giới phải quan tâm và lên tiếng bởi lẽ nó đã vượt quá phạm vi của sự ổn định khu vực.

Chuyên gia Việt Nam bàn về các giải pháp kiện Trung Quốc ra toàn án quốc tế

Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia pháp lý biển Đông cho rằng khởi kiện Trung Quốc là một biện pháp tốt, tuy nhiên cần đánh giá đúng về tác động của việc khởi kiện. Khởi kiện sẽ mất thời gian khá dài quy trình tố tụng phức tạp.

Việt Nam không lo sự tráo trở, trở mặt của Trung Quốc. Bất luận khó khăn, thách thức, việc khởi kiện sẽ có tác động về mặt dư luận cho vụ kiện là rất lớn, và qua đó, công luận thế giới sẽ đứng về phía Việt Nam, vì là bên tôn trọng luật chơi chung - luật pháp quốc tế.

Hiện nay, khả thi nhất là Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Luật Biển, cũng giống như Philippines đã làm năm 2013.

Tuy nhiên, Việt Nam cần có các chuyên gia pháp lý giỏi để chọn lựa cơ sở cho việc khởi kiện Trung Quốc theo quy trình tố tụng này. Sau khi Việt Nam hoàn tất đơn khởi kiện, đơn này sẽ được gửi đi, và sau đó hội đồng trọng tài sẽ được thành lập. Hội đồng trọng tài sẽ nhận đơn khởi kiện và quyết định tòa có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này không? Nếu có thì tòa sẽ xem xét để đưa ra phán quyết.

Hội đồng trọng tài gồm 5 trọng tài viên đã được thành lập và đang xem xét hồ sơ khởi kiện của Philippines. Với quy trình tố tụng này thì cho dù Trung Quốc không tham gia cũng không ảnh hưởng đến việc thiết lập và ra phán quyết của tòa.

Phán quyết của tòa sẽ có giá trị chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc với tất cả các bên tranh chấp. Các học giả quốc tế nhìn nhận, nếu Việt Nam khởi kiện mà phía Trung Quốc tiếp tục từ chối (mà họ sẽ làm thế) thì khiến Trung Quốc không còn uy tín trước thế giới khi một mặt luôn nói là quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế,

Theo quy định tại Công ước Luật Biển, sau khi Việt Nam nộp hồ sơ khởi kiện, Việt Nam có thể yêu cầu Tòa án quốc tế Luật Biển xem xét việc ra một quyết định như một biện pháp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam, nhằm buộc Trung Quốc phải tạm ngưng việc có các hành động tương tự như trong trường hợp hạ đặt trái phép giàn khoan 981, trong khi chờ Tòa trọng tài có quyết định cuối cùng.

Theo thạc sĩ Hoàng Việt, nếu Trung Quốc kiện ngược Việt Nam đi nữa thì đó cũng là điều đáng mừng, vì Trung Quốc chấp nhận ra tòa (nhưng chắc nước này sẽ không dám làm thế). Trước tòa là một cuộc chơi công bằng và văn minh nhất, nên cho dù Trung Quốc kiện ngược đi nữa, các quan tòa sẽ có phán quyết đúng đắn về việc ai là bên vi phạm.