Trung Quốc đau đầu trong giải quyết khủng hoảng Ukraine

ANTĐ - Các phương tiện truyền thông Nga trích dẫn một số nguồn tin từ Trung Quốc cho là Bắc Kinh ủng hộ quan điểm của Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tuy nhiên, trong các thông báo chính thức, Trung Quốc vẫn thể hiện thái độ không ràng.

Tờ “Nhân dân nhật báo” chỉ trích việc Washington vẫn còn giữ "thế giới quan thời Chiến tranh lạnh" và tranh giành ảnh hưởng với Moscow trong khủng hoảng quyền lực tại Ukraine. Những lý thuyết thời Chiến tranh lạnh, cho tới nay vẫn còn ngự trị trong tâm trí của phương Tây và quyết định thế giới quan, khiến họ chưa thể dứt bỏ sự hằn thù đối với nước Nga.

“Nhân dân nhật báo” nhận định, Mỹ đang tìm mọi cách để qua mặt Nga trong ảnh hưởng tới diễn biến ở Ukraine đồng thời kêu gọi phương Tây từ bỏ lối tư duy cũ.

Tờ Rossiskaya Gazeta cho rằng, đây là quan điểm chính thống "quan trọng nhất và cứng rắn nhất" của Bắc Kinh cho tới nay trong vấn đề khủng hoảng Ukraine. Bởi vì, thực tế là từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình dẫn tới việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych, Trung Quốc đã khá thận trọng trong các bình luận của mình.

Ngoài ra, trong một bài xã luận gần đây, tờ “Thời báo Hoàn cầu” kêu gọi: "Dư luận Trung Quốc cần sát cánh cùng nước Nga và ủng hộ Moscow chống lại áp lực của phương Tây. Đây mới chính là bức tranh thật của cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Trung Quốc đau đầu trong giải quyết khủng hoảng Ukraine ảnh 1

Thời gian qua, Nga và Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu về quân sự

Hôm 3-3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về tình hình Ukraine. Nga nói Moscow và Bắc Kinh chia sẻ đa số quan điểm về tình hình Ukraine, với ngụ ý rằng Bắc Kinh ủng hộ Moscow trong giải quyết mâu thuẫn với Kiev.

Tuy nhiên, trong thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố, Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và các bên cần giữ hòa bình và ổn định tại khu vực thông qua đối thoại và đàm phán.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Tần Cương nói, Trung Quốc chủ trương "không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước, đồng thời cân nhắc các dữ liệu lịch sử và sự phức tạp của tình hình" tại Ukraine. Đồng thời, ông cũng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi chặt các diễn biến tại Ukraine.

Theo giới chuyên gia, sở dĩ chính phủ Trung Quốc thận trọng như vậy là vì lợi ích của nước này liên quan mật thiết với Ukraine, cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này có ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển của Trung Quốc trên khá nhiều lĩnh vực.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh và Kiev đã có nhiều dự án hợp tác về quân sự, thương mại và nông nghiệp. Năm 2012, Ukraine chiếm vị trí nhà xuất khẩu vũ khí thứ tư trên thế giới và một phần đáng kể vũ khí do họ sản xuất được bán cho Trung Quốc.

Trung Quốc đau đầu trong giải quyết khủng hoảng Ukraine ảnh 2

Hai bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Sergey Lavrov đã điện
đàm hôm 3/3 về tình hình Ukraine

Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh được mua từ Ukraine, tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn Zubr của họ cũng do Ukraine chế tạo, động cơ máy bay vận tải hạng nặng và máy bay huấn luyện L-15 cũng do Ukraine cung cấp, chương trình cải tiến máy bay vận tải Il-76 thành máy bay Il-78 cũng do Kiev giúp đỡ.

Năm ngoái Ukraine đồng ý cho Trung Quốc thuê 5% diện tích đất đai để canh tác và nuôi lợn cho các công ty nhà nước Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc sẽ giúp xây dựng hệ thống hạ tầng cho Ukraine.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vào tháng 12-2013, Bắc Kinh cam kết giành cho Ukraine khoản hỗ trợ 8 tỷ USD, bổ sung thêm vào khoản 10 tỷ đã cấp trước đó.

Rõ ràng chiến sự ở Ukraine sẽ ảnh hưởng nặng tới đầu tư của Trung Quốc và Bắc Kinh đang phải rất khéo léo trong việc cân bằng quan hệ với “đối tác lớn” là Kiev và “đồng minh” Nga, vừa không để mất lòng cả 2 nước, vừa không để khủng hoảng Ukraine đẩy khu vực vào hố sâu bất ổn.