Trung Quốc: Vạch trần nhóm nhà báo tống tiền doanh nghiệp

ANTĐ - Để kiếm một khoản tiền lớn, 8 đối tượng của cổng thông tin 21cbh.com - một chi nhánh của tờ báo tài chính hàng đầu Trung Quốc - 21st Century Business Herald đã tống tiền hàng trăm nghìn USD các công ty có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán. 

Chu Bân - biên tập chính của trang web 21cbh.com, ngày 11-9 thừa nhận trên CCTV 
rằng đã tham gia vào kế hoạch tống tiền doanh nghiệp

Muốn “tin đẹp” hay “tin xấu”?

Theo điều tra ban đầu của Cảnh sát Trung Quốc, từ tháng 11-2013 đến nay, Chu Bân, biên tập viên chính và Lưu Đông, Tổng biên tập của trang web cùng một số nhân viên kinh doanh và biên tập viên của tờ “21st Century Business Herald” (Người đưa tin doanh nhân thế kỷ 21) đã móc nối với một số công ty quan hệ công chúng, tài chính tại thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến, điển hình công ty Roya Investment Services và Nukirin Investment Advisory. “Con mồi” của nhóm đối tượng này là các Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc các hãng nổi tiếng ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông muốn niêm yết trên sàn chứng khoán, tái cơ cấu hay chuyển đổi kinh doanh, và một số doanh nghiệp có danh tiếng trong nước. Thông thường khi có báo cáo tiêu cực được công bố, nhóm đối tượng này đẩy mạnh chiến dịch “săn mồi”, o ép, dọa dẫm buộc các công ty này chỉ có 1 cách chọn lựa: Hợp tác hoặc không hợp tác.  

Nếu doanh nghiệp đồng ý “hợp tác” (thông qua hợp đồng quảng cáo hoặc nhận tiền mặt trực tiếp), nhóm đối tượng này sẽ thu mức phí rất cao, khoảng 200.000 - 300.000 NDT, để đổi lấy cái tin đã được “tô vẽ” bằng thông tin tích cực, còn vấn đề tiêu cực hẳn nhiên được giấu nhẹm đi. Ngược lại, nếu không hợp tác, mạng 21cbh.com sẽ cố tình tung tin thất thiệt, ác ý nhằm tấn công các doanh nghiệp này để tống tiền hoặc ép họ ký quảng cáo và giao dịch. Các tổ chức hoặc cá nhân liên quan sẽ được “hưởng” một khoản chi phí quảng cáo hoặc hoa hồng tương đối lớn.

Trung Quốc:  Vạch trần nhóm nhà báo tống tiền doanh nghiệp ảnh 2
Tổng biên tập trang web 21cbh.com Lưu Đông thừa nhận hành vi phạm tội

Điều tra sơ bộ cho thấy, từ năm 2010, cổng thông tin kinh doanh 21cbh.com đã ký hàng trăm triệu nhân dân tệ tiền quảng cáo với hơn 100 công ty quảng cáo cùng lời cam kết “không đăng tin tiêu cực”.

Khi phóng viên bị ép… doanh số

Việc bắt giữ một số nhà báo trong ban lãnh đạo tờ 21st Century Business Herald với cáo buộc tống tiền doanh nghiệp là một minh chứng mới nhất của nạn “phong bì đỏ” trong môi trường báo chí vẫn ngấm ngầm tồn tại bấy lâu nay ở Trung Quốc.

Giống như nhiều tờ báo “tự chủ tài chính” khác ở Trung Quốc, tờ 21st Century Business Herald phải chịu áp lực tài chính lớn. Khoản tiền thu được từ các hợp đồng quảng cáo có vai trò vô cùng quan trọng quyết định sự tồn tại, phát triển của tờ báo. Biên tập viên, phóng viên còn phải chịu áp lực “chạy quảng cáo”. “Có quá nhiều áp lực khi phóng viên còn bị ép về doanh số quảng cáo. Theo một mô hình làm báo như thế này càng làm gia tăng nạn tống tiền mỗi khi một thông tin được xuất bản, đăng tải” - nhà báo Triệu Kinh (bút danh Michael Anti) - người thường xuyên viết bài cho Tạp chí kinh doanh Caixin, tỏ ra lo ngại.

Nhật báo kinh tế 21st Century Business Herald

Ngoài ra, mức lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số phóng viên, biên tập viên làm liều. Theo kết quả của một cuộc khảo sát năm 2012 do Tạp chí Tài Kinh thực hiện, 37,1% phóng viên tài chính ở Trung Quốc kiếm được 3.000 - 6.000 NDT/tháng. Chính vì vậy, bất chấp sự kiểm soát nghiêm ngặt của nhà nước, thủ đoạn tống tiền doanh nghiệp như một số nhân viên của tờ 21st Century Business Herald làm rất phổ biến ở Trung Quốc. “Lĩnh vực tin tức thương mại ở Trung Quốc đặc biệt dễ tạo tình trạng tham nhũng vì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền để có lợi thế và nhiều nhà báo quay sang tống tiền để có thêm thu nhập” - ông Đồng Bân, một giáo sư ngành báo chí ở đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho hay.

Kể từ đầu năm 2014 đến nay, nhằm đẩy mạnh chiến dịch bài trừ nạn tham nhũng tràn lan, chính quyền Trung Quốc đã thẳng tay trừng trị hoạt động tống tiền của truyền thông và nạn mua tin. Nhà chức trách đã phát hiện nhiều vấn đề như thẻ nhà báo được cấp cho những người không phải là phóng viên và các trang tin đang dần trở thành tờ quảng cáo hay công ty PR. Cuộc điều tra nhằm vào tờ 21st Century Business   Herald được coi là vụ lớn nhất đối với các cơ quan truyền thông. Ngày 12-9, chính quyền Trung Quốc ra lệnh đóng cửa trang web 21cbh.com của tờ 21st Century Business Herald sau khi các lãnh đạo của báo này thừa nhận tội “trấn lột” các doanh nghiệp.