Trung Quốc: Thiên tai đi qua, phẫn nộ ở lại

ANTĐ - Mất tất cả trong cơn bão Rammasun có cường độ mạnh nhất suốt hơn 40 năm qua, người dân vùng bão lũ ở miền nam Trung Quốc phẫn uất khi nhận được hàng cứu trợ là bánh mì mốc. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu công tác cứu trợ vùng thiên tai của Trung Quốc “dính” bê bối.

Người dân Trung Quốc khốn đốn vì bão

Cứu trợ  bằng bánh  mốc 

Siêu bão Rammasun đổ bộ và 3 tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc từ ngày 19-7. Đây được coi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Nam nước này trong 41 năm trở lại đây. Sau khi cơn bão Rammasun đi qua, ước tính sơ bộ khu vực này thiệt hại 5,5 tỷ USD, 46 người thiệt mạng.

Khi bão đi qua, người dân thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam đã rất phẫn nộ khi nhận được thực phẩm cứu trợ quá hạn từ chính quyền tỉnh. Vụ việc bị phanh phui khi ngày 20-7, một cư dân mạng có nickname là “Cương Phong” đã viết trên blog cá nhân rằng, hơn 200 người dân làng Bảo Tiêu, thị trấn Ông Điền (Văn Xương) đã nhận được 7 thùng nước suối đóng chai và 2 thùng bánh mì mốc xanh quá hạn. Số bánh mì ngọt này được Công ty thực phẩm Kim Vượng Đạt ở tỉnh Phúc Kiến sản xuất, trên bao bì ghi ngày sản xuất là 1-7-2014 và thời hạn sử dụng là 6 tháng. “Tại sao chúng bị mốc chỉ sau 20 ngày sản xuất? Ai là người phụ trách mua hàng cứu trợ?” - cư dân mạng này bức xúc. Nhiều người sau đó cũng đã phản ứng gay gắt cho rằng đây là hành động vô nhân đạo.

Trước sự việc đáng xấu hổ này, ông Miêu Kiến Trung - Giám đốc Sở Dân chính tỉnh Hải Nam đã gấp rút tổ chức họp báo để giải trình và xin lỗi công khai người dân vào chiều 21-7. “Tôi đã làm Giám đốc Sở Dân chính được 7 năm, từng phân phối hàng cứu trợ trong nhiều đợt lũ lớn. Để xảy ra sự việc lần này, tôi cảm thấy rất khổ tâm và xin gửi đến người dân lời xin lỗi sâu sắc” - ông Miêu Kiến Trung phát biểu. 

Cũng theo giải thích của quan chức này, những thùng hàng cứu trợ do Sở Dân chính đặt mua từ một đại lý trong tỉnh và không kịp kiểm tra chất lượng. Ông Miêu nhấn mạnh, Sở Dân chính Hải Nam đã thành lập tổ điều tra, truy cứu những người có trách nhiệm liên quan, nếu phát hiện thấy hành vi tham nhũng trong việc mua hàng cứu trợ sẽ kiên quyết xử lý và kết quả điều tra sẽ được công bố rộng rãi. Liên quan đến vụ việc, ông Lý Huệ Bảo - Trưởng phòng Phòng cứu trợ thiên tai thuộc Sở này đã bị đình chỉ chức vụ.

Bánh mì mốc xanh được phát cứu trợ dân

Phát chăn ấm giữa mùa hè 

Chưa hết, cũng dịp bão lũ vừa qua, hoạt động cứu trợ “’kỳ quặc” - phát vài nghìn chiếc chăn dày và áo khoác giữa mùa hè của Hội chữ thập đỏ Trung Quốc cũng khiến người dân Trung Quốc bất bình, mặc dù Hội chữ thập đỏ Trung Quốc “vẫn kiên quyết” giải thích đây là biện pháp hỗ trợ hợp lý.

Bão Rammasun khiến hàng nghìn người dân sống trong cảnh bị cắt điện, nước. Giữa lúc đó, dân ở Trạm Giang, Mậu Danh, Dương Giang của tỉnh Quảng Đông đã nhận được 2.000 chiếc chăn dày từ Hội chữ thập đỏ dù thời tiết nắng nóng khoảng 35 độ C. Một quan chức thuộc Hội chữ thập đỏ tỉnh Quảng Đông thanh minh, tuy mùa hè ở Quảng Đông rất nóng nhưng ban đêm nhiệt độ hạ xuống, người già, phụ nữ, trẻ nhỏ vùng lũ cần chăn và áo ấm để chống chọi. Cũng theo người này, danh sách các mặt hàng là do lực lượng cứu trợ tại chỗ báo lên cấp trên. Tuy vậy, nhiều người dân và cán bộ địa phương cho rằng việc phát chăn ấm cho những gia đình mất nhà trong lũ có thể cần thiết cho mùa đông nhưng khi lũ đang xảy ra hoặc mới đi qua, những vật phẩm như nước uống, lương thực và thuốc men  cần thiết hơn.

Trước việc phát chăn ấm cứu trợ dân vùng lũ giữa mùa hè, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn kết quả khảo sát từ 5.400 cư dân mạng cho biết chỉ có 12% ủng hộ, trong khi 60% cho rằng đây là một hành động khó hiểu. Tờ Epochtimes dẫn lời Châu Tiểu Vân - một cư dân Trung Quốc cho biết, chưa bàn đến tính cần thiết thì việc làm này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng liên quan đến tham nhũng.

Công tác cứu trợ nạn nhân vùng hứng chịu bão Rammasun gặp nhiều chỉ trích

Bức xúc đòi quyền lợi

Sáng 27-7, khoảng 2.000 người dân ở đảo Vi Châu, thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây đã tụ tập trước trụ sở chính quyền Vi Châu để phản đối công tác cứu trợ quá tồi tệ. Trước đó, trong thời gian hứng chịu siêu bão Rammasun, người dân đảo Vi Châu bị hư hỏng hơn 8.000 gian nhà, trong 7 ngày liên tiếp 16.000 dân đảo không có điện nước, hoa màu nông nghiệp bị cuốn sạch, thiệt hại kinh tế 300 triệu NDT. Dù vậy Hội chữ thập đỏ chỉ phát cho mỗi người 2 chai nước suối mà không có gì khác. Thậm chí, tờ Epochtimes còn đưa tin, chính quyền đảo Vi Châu còn ngăn cản người dân tự mua vật liệu sửa chữa nhà cửa sau bão.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Trung Quốc xuống đường phản đối cơ quan chính quyền không hoàn thành trách nhiệm cứu trợ thiên tai. Tháng 10-2013, nhiều cư dân mạng phản ánh người dân vùng lũ lụt ở thị xã Dư Diêu (tỉnh Chiết Giang) “vùng lên” vì quá bức xúc với công tác cứu trợ.  Những bức ảnh cho thấy cả nghìn người dân đã tham gia sự kiện này, khiến nhà chức trách phải huy động 12 xe cảnh sát và hơn 100 nhân viên cảnh sát có mặt tại hiện trường để duy trì trật tự.

Vài ngày trước khi cuộc biểu tình diễn ra, cơn bão Fitow đã càn quét qua Dư Diêu với lượng mưa lớn kỷ lục cho thị xã này trong 1 thế kỷ. Trên 70% khu vực này biến thành biển nước, nhiều nơi ngập trên 50cm. Thông báo của chính quyền địa phương cho biết, 83.000 người dân Dư Diêu bị ảnh hưởng, song hoạt động cứu trợ thực phẩm và nước uống cho người dân đã không kịp thời.

Cùng năm 2013, trận động đất 7 độ richter tại huyện Lô Sơn, thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 4 khiến nhiều căn nhà bị phá hủy, người dân phải sống trong điều kiện sinh hoạt cực thấp. Tuy nhiên, sau 5 ngày xảy ra địa chấn, họ vẫn không nhận được nhu yếu phẩm cứu trợ. Dương Thành Nghị - Phó chủ tịch thôn Thanh Nhân (huyện Lô Sơn) đã bị cách chức khi một nữ nạn nhân ở địa phương phản ánh bức xúc với truyền thông về việc nhà bị sập và có người thân thiệt mạng do động đất, nhưng không nhận được cứu trợ từ chính quyền.