“Quả bom hẹn giờ”

ANTĐ - Trong nỗ lực ngăn chặn căn bệnh lao đang có nguy cơ bùng phát trở lại, LHQ vừa đệ trình kế hoạch mới nhằm xóa bỏ hoàn toàn căn bệnh này tại 30 quốc gia có mức độ nhiễm bệnh thấp.

Tại một trung tâm chữa bệnh lao ở Ấn Độ

Kế hoạch do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội về các bệnh hô hấp châu Âu (ERS) soạn thảo với mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ giảm 10 lần số trường hợp nhiễm lao tại các quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, từ dưới 100 ca/1 triệu người/năm xuống còn 10 ca/1 triệu người/năm. Đó là các nước như Australia, Áo, Bỉ, Canada, Costa Rica, Cuba, Pháp, Đức, Italy, Mỹ...

Đây là giai đoạn đầu trong kế hoạch đầy tham vọng mà LHQ đặt ra nhằm mục tiêu xóa bỏ gần như hoàn toàn bệnh lao vào năm 2050 với tỷ lệ nhiễm mới dưới 1 ca/1 triệu người/năm. Thường được xem là một căn bệnh của quá khứ hoặc tồn tại trong những cộng đồng tách biệt, nhưng trên thực tế hiện nay, mỗi năm bệnh lao gây thiệt hại trực tiếp khoảng hơn 500 triệu euro và gián tiếp 5,3 tỉ euro do làm mất khả năng lao động của người bệnh. 

Kể từ khi WHO phát động chương trình chống lao toàn cầu năm 1995, tới nay đã có 56 triệu người được điều trị thành công và 22 triệu bệnh nhân được cứu sống. Tuy nhiên, lao vẫn là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao thứ 2, chỉ sau HIV/AIDS. Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trung bình trên thế giới mỗi năm có khoảng 9 triệu bệnh nhân lao, 1,3 triệu người trong số đó tử vong vì căn bệnh này. Gần 1/3 số trường hợp nhiễm lao trên thế giới là ở Đông Nam Á, hơn 1/4 ở châu Phi và khoảng 1/5 ở khu vực Tây Thái Bình dương. Riêng Ấn Độ chiếm 26% số ca nhiễm lao toàn cầu.

Đáng ngại hơn là tình trạng lao kháng nhiều loại thuốc (MDR-TB) ngày càng tăng, đe dọa phá hỏng những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống lao toàn cầu. WHO ước tính năm ngoái trên thế giới có 450.000 người bị MDR-TB, chủ yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, trong đó 170.000 ca tử vong. Các loại thuốc thường được sử dụng điều trị lao như isoniazid và rifampicin đang bị mất dần công dụng. Trong khi đó, phải đợi đến năm 2025 mới hy vọng có vaccine ngừa bệnh lao.

Bệnh  lao đã trở thành “quả bom hẹn giờ” đầy nguy hiểm, đòi hỏi thế giới cần tận dụng mọi cơ hội để tăng nguồn lực tài chính và con người cho cuộc chiến này trong tương lai gần. Hiện nay, chiến lược DOTS của WHO (gồm 5 nhân tố: cam kết chính trị, các dịch vụ soi bằng kính hiển vi, nguồn thuốc sẵn có, các chế độ phát hiện và kiểm soát, sử dụng thuốc điều trị hiệu quả cao với sự giám sát điều trị trực tiếp) đã được thừa nhận là chiến lược hiệu quả cao và chi phí thấp. Báo cáo về hiện trạng bệnh lao toàn cầu của WHO khẳng định nếu liệu pháp điều trị DOTS được triển khai hiệu quả, bệnh lao có thể hoàn toàn được loại trừ.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu mà Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề ra là tất cả những người mắc bệnh lao đều được nhanh chóng chẩn đoán và chữa trị kịp thời, coi đó là sự công bằng xã hội cần có ở tất cả mọi nơi, mỗi năm thế giới cần khoảng 9 tỷ USD. Nếu những cam kết của các chính phủ và các nhà tài trợ không đủ, thế giới sẽ phải đối mặt với thực tế là 10 triệu người trên toàn cầu, trong đó 4 triệu là phụ nữ và trẻ em, có thể chết vì căn bệnh này trong thời gian từ nay đến năm 2015.