Nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine

ANTĐ - Mặc dù các bên tuyên bố sẽ đáp trả lệnh trừng phạt của nhau, tuy nhiên, ngày 5-3, các nhà ngoại giao Nga và phương Tây tiếp tục thảo luận biện pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.

Binh sĩ Ukraine quan sát một tàu chiến Nga ở Vịnh Sevastopol, Crimea ngày 4-3

Ăn miếng trả miếng

Điện Kremlin ngày 5-3 đã lên tiếng đe dọa đáp trả nếu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga để phản đối việc Nga đưa quân vào nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine. Hãng RIA Novosti cho biết, các nghị sĩ Thượng viện Nga đang soạn thảo một dự luật cho phép chính quyền nước này tịch thu các tài sản của công ty Mỹ và châu Âu nhằm bảo vệ chủ quyền của Nga trước các mối đe dọa từ nước ngoài. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa quân vào Crimea, đồng thời cảnh báo trên trang Twitter rằng Pháp và các nước đối tác châu Âu sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết trong đó có cả trừng phạt Nga. Ông Fabius cho biết, các biện pháp trừng phạt sẽ được đưa ra thảo luận khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp vào hôm nay 6-3. 

Cũng trong ngày 5-3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov có cuộc gặp lần đầu tiên tại Paris (Pháp) để thảo luận về việc giảm căng thẳng tại Ukraine. Trước đó, phát biểu tại Madrid (Tây Ban Nha) trước khi tới Paris, ông Lavrov cho biết, việc bình thường hóa tình hình ở Ukraine cần dựa trên nguyên tắc cơ bản của Hiệp định về giải quyết khủng hoảng ngày 21-2. 

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 4-3 đã đề xuất giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine bằng việc Nga rút quân về căn cứ và phái đoàn quan sát viên quốc tế sẽ tới Ukraine để đảm bảo quyền lợi của các công dân Nga. Theo ông Obama, Ukraine có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả phương Tây và Nga. 

Ukraine muốn tránh căng thẳng với Nga

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk ngày 4-3 nói rằng, các thành viên nội các Ukraine đã bắt đầu các cuộc tiếp xúc với những người đồng cấp Nga để giảm căng thẳng, tuy nhiên, phía Nga chưa xác nhận thông tin trên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố không muốn căng thẳng với Nga và muốn tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. 

Trong một diễn biến liên quan, người đứng đầu Tập đoàn Gazprom của Nga, Alexei Miller nói rằng, bắt đầu từ tháng 4 tới, Nga sẽ bãi bỏ giá ưu đãi khí đốt cung cấp cho Ukraine do các đối tác Ukraine không thực hiện những thỏa thuận đã đạt được khi ký kết hợp đồng bổ sung về cung cấp giá ưu đãi. 

Phát biểu tại Brussels (Bỉ), Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của EU Guenther Oettinger cho biết, EU sẵn sàng giúp Kiev thanh toán tiền khí đốt cho Gazprom như một phần của gói hỗ trợ tài chính 11 tỷ euro (15 tỷ USD) cung cấp cho Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi tới thăm Kiev ngày 4-3 cũng cam kết cho Ukraine vay 1 tỷ USD để giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.