Nga cắt giảm khí đốt sang Ba Lan “cảnh cáo” Ukraine và phương Tây?

ANTĐ - Quyết định của Nga khi cắt giảm xuất khẩu khí đốt cho Ba Lan mà không báo trước, đã làm dấy lên những lo ngại về việc châu Âu đang phải phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trong thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Moscow và phương Tây.

Tập đoàn năng lượng quốc gia Ba Lan PGNiG cho biết, họ đang cố gắng tìm ra lý do tại sao khối lượng khí đốt từ Nga bị cắt giảm lên đến 24%, khi nước này cung cấp một phần cho Ukraine để bù đắp sự thiếu hụt của Nga ở đây.

Gazprom bị cáo buộc cắt giảm khí đốt cho Ba Lan vì động cơ chính trị


Trước tình hình đó, đối tác của PGNiG tại Ukraine, công ty Ukrtransgaz đã cáo buộc điện Kremlin kiểm soát tập đoàn Gzprom bằng cách xử phạt Ba Lan và phá hoại nguồn cung cấp khí đốt hiện tại của Kiev. "Hôm nay Nga đã bắt đầu hạn chế cung cấp khí đốt sang Ba Lan để phá vỡ dòng chảy khí đốt từ Ba Lan sang Ukraine, điều này khiến Ba Lan ngừng cung cấp ngược lại cho Ukraine khoảng 4 triệu mét khối khí", Ihor Prokopiv, giám đốc điều hành của Ukrtransgaz cho biết hôm 10/9.

Nick Perry, một nhà tư vấn năng lượng của Anh, nói rằng điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi các hành động của Gazprom đã thúc đẩy một phản ứng mạnh mẽ từ phía Kiev và phương Tây.

Trước các cáo buộc của Kiev, tập đoàn năng lượng của Nga Gazprom khẳng định, sự thiếu hụt này có thể là do công việc bảo trì đang được thực hiện để chuẩn bị cho đường ống cung cấp trước khi mùa đông đến.

Jonathan Stern, một chuyên gia khí tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford và là thành viên của Hội đồng tư vấn khí đốt Nga-EU tin rằng đây là do khả năng Nga đang bảo trì đường ống chứ không phải một vấn đề có liên quan đến chính trị.

"Nếu Gazprom muốn trừng phạt Ba Lan thì chắc chắn công ty sẽ không làm điều này trong thời tiết ấm áp và có thể vi phạm các điều khoản hợp đồng hiện tại với Ba Lan, Nga biết rất rõ rằng bất kỳ sự thay đổi nào trong lúc này đều bị phương Tây nhìn dưới một góc độ tồi tệ nhất”, ông Stern cho biết.

Tập đoàn Gazprom cung cấp một phần ba khí đốt cho châu Âu và là nguồn năng lượng chính cho các gia đình và công nghiệp. Hơn nữa, công ty này là một nguồn thu lớn cho điện Kremlin nên bất kỳ sự cắt giảm khối lượng khí đốt nào cũng sẽ gây thiệt hại cho công ty và tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, trước đó năng lượng đã từng là trung tâm của cuộc xung đột Ukraine. Gazprom cắt khí đốt cho Ukraine vào tháng 6-2014, vì Kiev không thanh toán các hóa đơn nợ tồn đọng.  Động thái này của Nga được phương Tây giải thích là một nỗ lực để gây bất ổn cho người hàng xóm phía nam. Việc cắt giảm tương tự của Gazprom với Ukraine, thường là vào giữa mùa đông, đã được áp dụng đối với Ukraine và một số nước khác trong thập niên qua.

Các rối loạn mới nhất xảy ra khi EU ban hành biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Quan hệ chính trị giữa Warsaw và Moscow đã đặc biệt xấu đi. Ba Lan vận động EU xử phạt cứng rắn hơn đối với Moscow, và nước này đã đứng ra tổ chức lực lượng phản ứng nhanh của NATO, nhằm phản ứng lại ảnh hưởng của Nga trong Ukraine.