“Né” trừng phạt, EU nhờ Thụy Sĩ quá cảnh thực phẩm sang Nga

ANTĐ - Các nhà sản xuất sữa và thịt, cũng như các loại rau quả ở châu Âu đã yêu cầu chính quyền Thụy Sĩ giúp đỡ họ quá cảnh sản phẩm cung cấp sang Nga, qua lãnh thổ nước của mình. 

Tờ "Izvestia" ngày 18-8, dẫn nguồn từ Giám đốc Truyền thông của Văn phòng Liên bang về Nông nghiệp Thụy Sĩ Anna Rizzoli cho biết, sau cú sốc bị Nga cấm vận nông, thủy sản, các nhà sản xuất châu Âu đã viện đến Thụy Sĩ để “né” đòn trừng phạt này.

Được biết, chính sách trừng phạt mà Nga thi hành không áp dụng đối với Thụy Sĩ bởi nước này không phải là thành viên EU. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng có thể nhờ cậy vào Phần Lan vì nước này cũng có quan hệ tương đối tốt đẹp với Nga.

Xu thế tìm kiếm các nước quá cảnh dành cho sản phẩm châu Âu đã được sự xác nhận của Hội đồng sữa châu Âu (European Milk Board, EMB), hợp nhất những hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất sản phẩm từ sữa.

Các nhà sản xuất thuộc hiệp hội này đang xem xét Thụy Sĩ và Nam Mỹ như là phương án tiềm năng khả thi để vận chuyển quá cảnh các sản phẩm của mình sang Nga - "Izvestia" dẫn lời tuyên bố của Phó chủ tịch EMB Siete van Keympema.

Theo tư liệu của Ủy ban châu Âu, thị phần xuất khẩu của Liên minh châu Âu vào Nga là khoảng 30% trái cây và hơn 20% các loại rau. Tổng cộng hàng năm Nga nhập khẩu thực phẩm và nông sản chừng 30 tỷ USD. Trong đó, chỉ 2% là từ Mỹ.

 “Né” trừng phạt, EU nhờ Thụy Sĩ quá cảnh thực phẩm sang Nga ảnh 1

Châu Âu cũng đang lao đao vì đòn cấm vận đáp trả của Nga


Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ thiệt hại khoảng 40 - 50 tỷ euro trong 2 năm 2014-2015, do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng.

Ngoài ra, họ còn tốn kém một khoản không nhỏ trong dịch chuyển cơ cấu đầu tư và xuất nhập khẩu. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt của chính Liên minh châu Âu và đòn đáp trả của Nga đã gây lo ngại cho các nước có nền kinh tế gặp khó khăn của EU.

Nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã cho biết, kinh tế của họ sẽ gặp thiệt hại nghiêm trọng từ các đòn trả đũa của Nga. Trong đó, Đức và Ba Lan sẽ mất phần lớn kim ngạch mậu dịch với Nga, các nước Baltic như Estonia, Latvia và Litva có thể sẽ bị tổn thất GDP ở mức độ còn lớn hơn.

Nhưng quan trọng nhất là nông dân châu Âu đã mất đi thị trường truyền thống. Trong 2 năm 2014 và 2015 họ sẽ phải tìm kiếm những thị trường mới cho những sản phẩm vốn được sản xuất để cung cấp chính cho Nga. Sau khi lệnh cấm vận này được dỡ bỏ, liệu nông dân châu Âu có còn cơ hội tại thị trường màu mỡ này?