Moscow cảnh cáo: Mỹ cấm vận Nga là đang "chơi dao hai lưỡi"

ANTĐ - Nga tuyên bố sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga và đòn trừng phạt này có thể phản tác dụng, gây hậu quả xấu cho chính Mỹ và các đồng minh.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính với giới lãnh đạo, doanh nghiệp và quân nhân Nga, đồng thời Washington cũng hối thúc các nước châu Âu có hành động tương tự nếu tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn.

"Những biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga sẽ là phản tác dụng", Ngoại trưởng Nga tuyên bố, “chúng tôi từng luôn chống lại các biện pháp trừng phạt đơn phương, chúng chưa bao giờ dẫn đến bất cứ điều gì tốt lành, và tôi hy vọng rằng các đối tác của chúng tôi hiểu được tính phản tác dụng của một chính sách tương tự”.

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ đại diện giới truyền thông, Tổng thống Putin tuyên bố rõ các nước có ý định trừng phạt Nga cần cân nhắc về những hậu quả mà nó đem lại.

Ông Putin nhấn mạnh: "Trong thế giới hiện đại, tất cả sự việc đều có liên hệ, con người cũng phụ thuộc vào nhau theo cách này hoặc cách kia. Đương nhiên, người ta cũng có thể làm tổn hại lẫn nhau, nhưng điều này chẳng có lợi cho ai hết. Trước khi trừng phạt Nga, phương Tây cũng nên suy nghĩ một chút về vấn đề này".

Nga cảnh cáo Mỹ đang chơi dao hai lưỡi

Các chuyên gia kinh tế dự đoán phương Tây có thể áp dụng các biện pháp đánh thẳng vào các nguồn lợi kinh tế của Nga. Nhưng đánh vào kinh tế cũng giống như chơi dao hai lưỡi, cấm vận về kinh tế với một cường quốc cũng có nghĩa là cắt đứt quan hệ kinh tế của chính mình và nhiều quốc gia có mối quan hệ tương hỗ trong nền kinh tế toàn cầu.

Điều đặc biệt đáng ngại là Nga không thiếu các con bài kinh tế chiến lược và các biện pháp đáp trả. Moscow là nhà cung cấp khí đốt và dầu lớn nhất cho Liên minh châu Âu. 25% lượng khí đốt của EU tới từ Nga. Sự phụ thuộc này khiến khối liên minh của 28 nước thành viên khó có thể mạnh tay. Mặc dù Ba Lan vừa tuyên bố, nước này không cần khí đốt Nga nhưng ai cũng hiểu đây là một câu nói hết sức khiên cưỡng.

EU không có những phương án khác để bù đắp lượng khí đốt từ Nga, hơn nữa các ông lớn ở châu Âu như Đức, Italia vừa mới đóng góp tiền xây dựng 2 tuyến đường ống lớn, nối liền Nga và châu Âu là “Dòng chảy phương Nam” và “Dòng chảy phương Bắc” (South Stream và North Stream). Với các nước tư bản, đồng tiền bỏ ra phải có lợi, họ sẽ không dại gì gây hấn với Nga để vừa “tiền mất, tật mang”.

Sergei Glazyev, cố vấn kinh tế điện Kremlin cho rằng, trường hợp lệnh trừng phạt áp dụng đối với Nga, thị trường cổ phiếu cùng những khoản nợ bằng đồng USD của Nga cũng sẽ bị đóng băng, Moscow có thể dừng việc sử dụng đồng USD, chuyển sang dùng các đồng ngoại tệ khác trong giao dịch thương mại quốc tế để bớt phụ thuộc vào Washington. Đồng thời, ông còn cảnh báo hệ thống tài chính Mỹ phải đối mặt "với nguy cơ sụp đổ" nếu điều này thực sự xảy ra.

Một góc trạm bơm gas Sudzha của tập đoàn Gazprom

Một viễn cảnh hiển hiện là Nga có thể viện cớ bị cấm vận kinh tế, khan hiếm ngoại tệ để không trả bất cứ khoản vay nào cho các ngân hàng Mỹ. Đồng thời, nếu Washington phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp và cá nhân Nga, Moskva sẽ đề nghị tất cả những người nắm giữ trái phiếu Mỹ bán đi, có thể là cho Trung Quốc chẳng hạn. Hẳn Washington không muốn Bắc Kinh nhanh chóng nâng mức nắm giữ trái phiếu Mỹ lên quá con số 1.300 tỷ USD hiện họ đang nắm giữ.

Một biện pháp đáp trả mạnh của Nga cũng đã được tính tới. Theo Itar-Tass, hiện Thượng viện Nga đang soạn thảo một dự luật xem xét đóng băng tài khoản của các công ty Mỹ và châu Âu đang hoạt động tại Nga. Biện pháp sẽ được thực thi trong trường hợp các lệnh trừng phạt chống lại Nga được áp đặt. Dự luật này cũng sẽ được thảo luận với Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) để có thể nhanh chóng có cơ sở pháp lý, trở thành một đạo luật.

Trong khi hai nước có phản ứng gay gắt với nhau, tại tâm điểm của cuộc khủng hoảng, chính phủ lâm thời Ukraine cũng đang tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ các nước để giải quyết vấn đề lỗ hổng ngân sách quốc gia, mà đặc biệt từ Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hôm 5-3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc làm việc với các tân lãnh đạo của quốc gia này và công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá một tỷ USD.

Một trạm gác của lực lượng vũ trang thân Nga trên đường đến Crimea

Các gói cứu trợ của phương Tây được cho là có thể giúp Ukraine giải quyết khủng hoảng tài chính nhưng cũng rất hạn hẹp vì mới chỉ có Mỹ công bố một khoản viện trợ khoảng 1 tỷ USD. Trong khi đó, Nga cũng tạm dừng các gói viện trợ hoặc cho vay để “xem xét thái độ của chính phủ mới” sau bầu cử ở Ukraine. Nếu chính phủ này ngả theo EU thì số phận các hiệp định song phương đã ký giữa 2 nước sẽ ra sao?

Ngoài việc tạm dừng các khoản viện trợ, công ty khí đốt Gazprom của Nga cũng đã ra một đòn quyết định, có thể hạ knock-out nền kinh tế vốn đã ọp ẹp của Ukraine. Trong ngày 5-3, họ chính thức thông báo, bắt đầu từ tháng 4 năm nay, Moscow sẽ chấm dứt gói ưu đãi khí đốt giành cho Kiev. Tổng thống Putin giải thích rằng quyết định trên xuất phát từ thực trạng Kiev đang nợ Moscow tiền khí đốt.

Nếu cấm vận Moscow, Washington và các đồng minh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn nữa, ngoài Mỹ ra, các đồng minh EU và chính Ukraine cũng không hẳn đã đồng thuận với quyết định này. Có thể nói rằng, chơi con bài cấm vận kinh tế với Nga là con dao hai lưỡi mà chính người sử dụng là Hoa Kỳ lại có thể bị đứt tay trước tiên.