Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine?

ANTĐ - Chính phủ non trẻ của Ukraine đang mất dần những lựa chọn khả thi trong việc khôi phục quyền kiểm soát đối với các khu vực miền Đông và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Các tòa nhà chính phủ và cảnh sát tại hơn một chục địa điểm vẫn đang bị những người biểu tình ủng hộ Nga chiếm giữ và sự đối phó từ Kiev đã không nhất quán và kiên quyết.
"Thỏa thuận" vừa đạt được tại Geneva hồi tuần trước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này có vẻ không còn hiệu lực khi Nga và Mỹ vẫn liên tục chỉ trích nhau, Nga và Ukraine thì cáo buộc lẫn nhau, và tình hình tại Ukraine ngày càng rơi vào bế tắc, xung đột.

Với tình hình như vậy, CNN đưa ra nhận định chính trường Ukraine trong thời gian tới có thể diễn biến theo 5 kịch bản như sau, nhưng các sự kiện có thể diễn biến nhanh và khó lường:

Hòa bình lập lại

Thỏa thuận Geneva đã đem lại cái mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là “một tia hy vọng.” Nhưng Ngoại trưởng John Kery lại thận trọng sau cuộc đàm phán này rằng: “Không có ai trong chúng tôi rời khỏi đây với cảm giác là thỏa thuận sẽ được thực hiện bởi vì lời nói vẫn chỉ trên giấy.”

Việc thực hiện thỏa thuận đã được giao cho Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) hiện đang có khoảng 100 quan sát viên ở miền Đông Ukraine và có nhiệm vụ đàm phán khôi phục hòa bình tại đây.

Tuy nhiên, các quan sát viên OSCE không có quyền thực thi pháp luật và lòng hận thù của các nhóm thân Nga đối với cả Mỹ và châu Âu khiến công việc của họ trở nên khó khăn.

Binh sĩ Ukraine được điều động đến Slavyansk

Quan điểm của chính phủ Ukraine về một cuộc trưng cầu dân ý không rõ ràng. Quyền tổng thống Oleksandr Turchynov cho rằng ông không phản đối một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc về việc cải cách chính phủ, có lẽ sẽ được tổ chức cùng với cuộc bầu cử tổng thống.

Nhưng, những người biểu tình thì cho rằng họ sẽ không chấp nhận điều gì ngoài tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khu vực cho phép Donetsk và các khu vực khác ở miền Đông có quyền lựa chọn ly khai khỏi Ukraine, dự kiến tổ chức vào ngày 11-5 tới.

Chính phủ Ukraine giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Đông

Căn cứ vào tình hình trong vài tuần gần đây, điều này có vẻ khó có thể xảy ra. Các nhóm biểu tình thân Nga đã chiếm giữ các tòa nhà chính quyền từ thành phố Slaviansk ở phía bắc đến thành phố Mariupol trên biển Azov, và hiện đang kiểm soát hiệu quả nhiều khu vực rộng lớn tại khu vực Donetsk và Luhansk. Cảnh sát địa phương thì tan rã hoặc không còn giữ liên lạc với chính phủ và quân đội thì mất ý chí chiến đấu, một số binh lính còn buông vũ khí quay sang ủng hộ lực lượng biểu tình.

Mặc dù trong hai ngày qua, chính quyền Kiev đã tuyên bố nối lại “chiến dịch chống khủng bố ở miền Đông", và đã đẩy mạnh các cuộc tấn công tại khu vực này, nhưng hiệu quả khó có thể đạt được như mong muốn vì lực lượng quân đội tham gia chiến dịch chủ yếu thuộc phe cực hữu có quan điểm cực đoan, nên sẽ không nhận được sự ủng hộ của dân chúng.

Nội chiến


Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho rằng Ukraine đang trên bờ vực của một cuộc nội chiến, nhưng tình hình có vẻ không phải như vậy. Các nhóm biểu tình thân Nga thường chỉ có hàng chục người chứ ít khi lên đến hàng trăm người.

Trên đường phố không có các cuộc tuần hành quy mô lớn hoặc đụng độ. Nhiều người ở đây có vẻ không muốn tham gia, một số người sợ bị tấn công nếu họ bày tỏ quan điểm. Phần lớn cư dân vẫn thực hiện các công việc hàng ngày của họ.

Xe bọc thép Ukraine

Tuy nhiên, có nguy cơ là các phần tử dân tộc cực hữu ở Kiev, còn được gọi là Pravy Sektor, sẽ tổ chức các nhóm để tấn công lực lượng biểu tình ở miền Đông, gây nên những cuộc đụng độ lớn làm tình hình có thể vượt tầm kiểm soát, và có thể dẫn đến sự can thiệp của Nga.

Nga can thiệp

Cả Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đều nhiều lần khẳng định rằng Nga không có kế hoạch "xâm lược" hay sáp nhập miền Đông Ukraine, bất chấp có sự hiện diện của khoảng 40.000 lính Nga ở gần biên giới với Ukraine. Một cuộc can thiệp như vậy sẽ dẫn đến việc nước này sẽ phải gánh chịu thêm các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn của phương Tây; và việc sử dụng lực lượng thông thường trong một cuộc chiếm đóng có thể sẽ là một hành động nguy hiểm và tốn kém ở thời điểm mà nền kinh tế của Nga đang gặp khó khăn.

Nhưng nếu chính phủ Ukraine cố áp đặt quyền lực tại miền Đông hoặc các phần tử dân tộc cực hữu triển khai đến đây với số lượng lớn, làm người biểu tình bị thương vong nhiều, thì những tính toán của Nga có thể sẽ thay đổi, không loại trừ sẽ có một cuộc can thiệp quy mô lớn của Nga đối với Ukraine. Trong khi đó, Thượng viện Nga đã trao cho Tổng thống quyền sử dụng quân đội tại Ukraine và lực lượng biểu tình thân Nga đã kêu gọi Nga giúp đỡ bảo vệ họ.

Giữ nguyên tình hình bất ổn

Đối với nhiều nhà quan sát, điều này có vẻ như là kịch bản có thể xảy ra nhất, đó là một cuộc bất hòa giữa Kiev và các nhóm thân thân Nga ở miền Đông. Chính quyền non trẻ và thiếu kinh nghiệm của Ukraine đã thể hiện sự yếu kém trong việc đối phó với các nhóm thân Nga, trong khi đó lực lượng biểu tình thân Nga lại không có sức để biến cuộc biểu tình thành sự ly khai hoàn toàn.

Diễn biến tình hình tiếp theo tại Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc ban hành một bản hiến pháp soạn thảo mới, và cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 11-5 do các nhóm thân Nga ở miền Đông tổ chức.