Hàng không Pháp hỗn loạn vì đình công

ANTĐ - Giao thông hàng không của Pháp và cả châu Âu có nguy cơ rơi vào hỗn loạn bởi phi công hãng hàng không Air France lớn nhất nước này và lớn thứ hai ở châu Âu đình công một tuần liền.

Máy bay của Hãng Air France nằm la liệt tại sân bay Orly ở Thủ đô Paris do phi công từ chối bay

Hãng hàng không quốc gia Air France của Pháp đã buộc phải thông báo hủy một nửa số chuyến bay trong ngày 15-9 do phi công của hãng bắt đầu đình công trong vòng một tuần để phản đối mở rộng chi nhánh hàng không giá rẻ. Giám đốc phụ trách các hoạt động của Air France, bà Catherine Jude cho biết, hãng chỉ có thể vận hành 48% số chuyến bay vì khoảng 60% phi công từ chối làm việc.

Đại diện Air France kêu gọi những khách hàng đặt vé bay trong thời gian từ ngày 15 đến 22-9 lùi thời gian bay, đổi vé miễn phí hoặc đề nghị hoàn lại tiền vé. Air France ước tính cuộc đình công của phi công có thể khiến hãng thiệt hại từ  10-15 triệu euro (13-19 triệu USD)/ngày, đồng thời cho biết ban quản lý của hãng sẽ làm việc với các đối tác để tìm cách sớm thoát khỏi tình hình này.

Cuộc đình công nổ ra theo lời kêu gọi của Hiệp hội các phi công quốc gia (SNPL) Pháp  nhằm gây áp lực trong việc mở rộng Transavia, một hãng hàng không giá rẻ trực thuộc Air France. 

Transavia hiện có 41 máy bay, thực hiện vận chuyển khoảng 8,9 triệu hành khách mỗi năm giữa Pháp và Hà Lan. Air France đang lên kế hoạch bắt tay với hãng hàng không Hoàng gia Hà Lan (KLM) đầu tư khoảng 1 tỷ euro để nâng số máy bay của hãng hàng không giá rẻ lên con số 100 máy bay và thực hiện vận chuyển 20 triệu hành khách/năm vào năm 2017.

Việc mở rộng hãng hàng không giá rẻ Transavia diễn ra trong bối cảnh các phi công của Air France đang đối mặt với viễn cảnh khá u ám khi mà hãng hàng không này đang quá tải biên chế. Việc phát triển hãng hàng không giá rẻ Transavia với việc tăng số lượng máy bay và phi công (thêm khoảng 250 phi công mới vào năm 2019) sẽ còn gây áp lực mạnh hơn đối với thị phần và kèm theo đó tất nhiên là đội ngũ phi công của Air Frane.

Đó là lý do SNPL kêu gọi và nhận được sự ủng hộ ngay của các phi công Air Frane bởi họ lo ngại việc mở rộng Transavia sẽ kéo theo việc thuê phi công ngoài hãng với giá rẻ. Là hãng hàng không lớn, thực hiện trung bình khoảng 1.000 chuyến bay mỗi ngày trên khắp thế giới nên việc đình công của phi công Air France đã đảo lộn hoạt động vận chuyển hàng không không chỉ tại nước Pháp mà một phần châu Âu và thế giới.

Bên cạnh việc đã gửi 65.000 tin nhắn kêu gọi hành khách hoãn, hủy chuyến bay, lãnh đạo Air France cũng đang khẩn trương đàm phán với các nghiệp đoàn về kế hoạch đình công. Tổng giám đốc Air France Frederic Gagey cho biết Ban giám đốc của hãng đang nỗ lực hết sức để cùng với các đối tác “tìm ra một con đường thoát khỏi tình trạng hiện nay” nhằm giảm thiểu  quy mô cuộc đình công và thiệt hại do cuộc đình công dài ngày nhất của phi công Air France kể từ năm 1998 đến nay.