Eurozone đối mặt với ‘‘bão”: khủng hoảng xã hội

ANTĐ - Những khó khăn trong khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa kịp giải quyết thì dường như Eurozone lại chịu thêm một cuộc khủng hoảng xã hội đang nhen nhóm từ các quốc gia có nợ công quá lớn. Vụ tự sát của một dược sĩ về hưu tại Hy Lạp đã gióng một hồi chuông cảnh báo khẩn cấp.

Những người biểu tình Hy lạp tràn ra đường phố

Chỉ vài tiếng sau khi dược sĩ về hưu (77 tuổi) là Dimitris Christoulas vì túng quẫn đã tự bắn vào đầu mình trên quảng trường Syntagma đông đúc của thành phố (cách tòa nhà Quốc hội Hy Lạp chỉ 100m) vào giờ cao điểm sáng 4-4, những người biểu tình Hy Lạp đã tràn ra đường phố, thậm chí còn đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Thủ đô Athens. Cảnh sát Athens đã phải dùng lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông, trong khi có một số người biểu tình quá khích đã ném đá và bom xăng vào lực lượng giữ an ninh. Tuy nhiên, ngay sáng sớm 5-4, hàng nghìn người Hy Lạp đã tập hợp tại Quảng trường Syntagma, tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ trước tình trạng kinh tế bi đát hiện nay, phản đối chính sách khắc khổ của Chính phủ. Hoa và nến cùng những thông điệp chia sẻ đã được đặt tại gốc cây nơi xảy ra vụ việc đau lòng trên. 

Trong thông điệp tuyệt mệnh mà nạn nhân để lại, nguyên nhân của bi kịch này được tiết lộ là do mức lương hưu ít ỏi đã bị cắt giảm tới mức không thể nuôi sống nổi bản thân. Theo hãng tin Hy Lạp, ông cáo buộc Chính phủ đã “triệt hết mọi đường sống” dựa trên lương hưu hoàn toàn xứng đáng mà ông đã tự trả trong 35 năm không ai giúp. Ông cũng cáo buộc không còn nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Nhà nước. Ông viết: "Vì tuổi cao không còn cho phép tôi phản ứng năng động... tôi thấy không có giải pháp nào khác hơn là kết thúc cuộc sống của mình trong danh dự, để tôi không phải thấy bản thân mình đào bới thức ăn trong các thùng rác để tự nuôi sống".

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, thời gian qua, khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp kéo dài gần 3 năm nay đã biến thành thảm họa do kinh tế suy giảm gần 7%, thất nghiệp tăng cao đã làm nhiều người rơi vào cảnh túng quẫn. Hy Lạp đã hứng chịu nhiều cuộc biểu tình nổi loạn khi bị rơi vào khủng hoảng nợ công. Đặc biệt, sau khi Athens thông qua các biện pháp “thắt chặt chi tiêu đến nghẹt thở” để đổi lấy hai gói cứu trợ, tiền lương và lương hưu bị cắt giảm từ 25-40% đã trở thành nguyên nhân khiến số người tự sát tại Hy Lạp tăng cao. 

Các nhà nghiên cứu của trường đại học Cambrige (Anh) dẫn số liệu thống kê của Chính phủ Hy Lạp, Liên minh châu Âu (EU) và các nguồn khác cho thấy số người tự tử trong năm 2010 ở Hy Lạp tăng 25% so với năm trước. Những người dân Hy Lạp gặp khó khăn về kinh tế đang mất dần sự chăm sóc y tế do ngân sách nhà nước thu hẹp, khiến họ có nguy cơ cao hơn bị lây nhiễm virus HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và một số trường hợp có thể tử vong. Theo các nhà nghiên cứu, những vấn đề nảy sinh ở Hy Lạp liên quan trực tiếp đến tình trạng khủng hoảng tài chính. Chẳng hạn, người nghiện ma túy thường không có việc làm nên hoạt động mại dâm để lấy tiền mua ma túy.

Nhưng vụ tự sát của vị dược sĩ về hưu nói trên lại có một tác động tiêu cực khác vào tâm lý người dân Hy Lạp nói riêng và người châu Âu nói chung. Điều đáng nói là các vụ tự sát gia tăng cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi tại cuộc họp Nghị viện Italia hôm 4-4. Ông Antonio Di Pietro, lãnh đạo Đảng Nước Ý vì những giá trị (IDV) chỉ trích những chính sách yếu kém của Thủ tướng Mario Monti đã dẫn đến làn sóng tự sát tại nước này. Hôm 4-4, một doanh nhân Italia 59 tuổi đã tự sát vì công ty xây dựng của ông sắp phá sản. Trước đó, một phụ nữ 78 tuổi ở Sicily đã tìm đến cái chết vì các khoản lương hưu hàng tháng bị cắt giảm trong khi một chủ hãng sản xuất khung tranh cũng có động thái tương tự do kinh tế khó khăn. Tuần trước nữa, hai người đàn ông ở miền Bắc Italia đã tự thiêu do khủng hoảng tài chính nhưng may mắn được cứu sống. Tình cảnh hiện nay của Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa dù đã áp dụng nhiều biện pháp vừa phục hồi tăng trưởng vừa cắt giảm chi tiêu. 

Như vậy,  cuộc khủng hoảng nợ công vẫn chưa được giải quyết thì nỗi lo về gánh nặng lương hưu đang tiếp tục đe dọa nền chính trị của nhiều quốc gia khác. Ngay từ cuối năm 2010, hãng bảo hiểm Aviva của Anh từng khuyến cáo rằng, quỹ lương hưu của Liên minh châu Âu (EU) đang thâm hụt tới 1.900 tỷ euro. Mức thiếu hụt này tương đương 1/5 tổng giá trị sản phẩm hằng năm của EU. Cụ thể, quỹ lương hưu của Anh thiếu 379 tỷ euro, tương đương 26% GDP, đây cũng là quỹ lớn nhất tại EU. Tiếp theo là quỹ của Đức và Tây Ban Nha với mức thâm hụt tương đương 24% và 18% GDP.  Aviva cho rằng nếu không tăng lượng tích lũy, người lao động tại EU sẽ đối mặt với tình trạng phải chi tiêu cho tuổi già bằng tiền bán nhà cửa hoặc chấp nhận giảm chất lượng cuộc sống. Nay, theo số liệu nghiên cứu mới được công bố của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tổng số tiền lương hưu 19 quốc gia EU phải chi trả cao gấp 5 lần tổng nợ của họ.

Trung tâm Nghiên cứu các khoản nợ phát sinh thuộc Đại học Freiburg (Đức) cũng khẳng định, trong năm 2009, các quốc gia trong bản báo cáo trên có nghĩa vụ thực hiện phúc lợi hưu trí cho dân cư dự kiến lên đến 30.000 tỷ euro trong đó, Đức phải chi 7.600 tỷ euro và Pháp chi 6.700 tỷ euro lương hưu. Tỷ lệ sinh giảm hoặc đứng yên, cộng thêm tuổi thọ con người kéo dài khiến cho áp lực tài chính ngày càng đè nặng đôi vai của Chính phủ các nước. Theo báo cáo của ECB, phúc lợi hưu trí năm 2060 dự kiến khoản chi lương hưu sẽ chiếm  từ 14% đến 25% GDP khu vực.

Có lẽ vì lý do này mà thời gian gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực EU đang xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu để giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Dẫu vậy, đây cũng mới chỉ là biện pháp tạm thời và trong thời gian đưa nó vào thực thi hiệu quả, EU vẫn thực sự phải đối mặt với một "cơn bão” lớn.

Dù thế nào thì những cái chết đau lòng trên cho thấy cái giá của cuộc khủng hoảng nợ công không chỉ dừng lại ở nguy cơ phá sản của một đất nước mà còn tác động tiêu cực tới cuộc sống của từng cá nhân. Chính phủ các nước Eurozone đang đối đầu với vấn đề không biến một cuộc khủng hoảng kinh tế thành một cuộc khủng hoảng xã hội, tác động tiêu cực đến khu vực nói riêng và thế giới nói chung.